MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt điểm chế biến cà phê và khô cá sử dụng phụ gia

12-01-2017 - 15:20 PM | Thị trường

Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này dùng chất không rõ nguồn gốc để chế biến cà phê.

Khoảng 8 giờ sáng nay (12-1), Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra cơ sở chế biến cà phê của ông Nguyễn Kim Thơ (tại 387/2, đường Trần Hưng Đạo, phường Bình Hưng, TP Phan Thiết).

Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này dùng chất không rõ nguồn gốc để chế biến cà phê. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 54 can (loại 30 lít) chất phụ gia dùng chế biến cà phê có màu đen đặc, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Theo lời khai của chủ sản xuất, đây là chất caramel được mua từ TP.HCM dùng để phối trộn trong quá trình chế biến nhằm tạo màu cho cà phê bột. Ngoài ra, tại đây còn tích trữ hàng chục bao tải đậu nành đã được rang cháy đen trộn với bơ, dùng để pha trộn vào cà phê để tăng độ đắng. Cà phê sau khi pha trộn với chất phụ gia và đậu nành được đóng gói với nhãn hiệu Mỹ Thơ và phân phối chủ yếu trên địa bàn TP Phan Thiết và các huyện.

Đoàn đã lập biên bản niêm phong và tạm giữ số can nhựa, để xử lý về hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó vào sáng 11-1, PC49 cũng phối hợp cùng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và công an địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến hải sản của bà Đỗ Thị Điểm (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) và bắt quả tang cơ sở này đang sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang có 23 người gia công chế biến và hai quản lý là ông Nguyễn Thanh Nguyên và bà Nguyễn Thị Lành điều hành. Cơ sở đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc kinh doanh, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn kiểm tra phát hiện một can nhựa hóa chất, khoảng 5 lít chứa chất lỏng màu trắng, không mùi.

Theo đại diện cơ sở, chất này được bà Điểm đem từ Vũng Tàu về để dùng trong chế biến nhưng không có nhãn, mác nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, cá bò sau khi lọc tách, công nhân sẽ cho chất này vào nhằm làm mềm xương cá và tẩy trắng để xay nhuyễn chế biến.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù là chế biến thực phẩm thủy sản nhưng công nhân không có bao tay và đồ bảo hộ. Khu vực sản xuất ruồi nhặng bu bám bốc mùi tanh tưởi. Nước thải sau chế biến chưa xử lý được thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên là một đám ruộng bỏ hoang. Mùi hôi thối bốc nồng nặc ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, đặc biệt là Trường THCS Nguyễn Thông.

Cơ sở này mỗi ngày sản xuất khoảng 300 kg nguyên liệu. Sản phẩm sau khi chế biến, sấy phơi đưa ra thị trường tiêu thụ. Được biết, nguồn cá bò giấy được bà thu mua từ Vũng Tàu sau đó vận chuyển đông lạnh ra Phú Hài để chế biến. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản niêm phong hóa chất và lập biên bản các vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.

Hai cơ sở chế biến cà phê và khô cá bị bắt quả tang
Hai cơ sở chế biến cà phê và khô cá bị bắt quả tang

Theo Phương Nam

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên