Bật điều hoà vào giờ nóng nhất trong ngày tốn bao nhiêu điện? Soi kỹ nghiên cứu thấy bất ngờ
Vào khung giờ nắng nóng cao điểm trong ngày, việc sử dụng điều hoà để "hạ nhiệt" là giải pháp của hầu hết mọi gia đình.
- 15-04-2024Lưu ý khi dùng điều hòa để tránh sốc nhiệt mùa nắng nóng: Giải pháp “khí mềm không gió buốt” được lòng người tiêu dùng
- 08-04-2024Những cách tiết kiệm điện hiệu quả trong gia đình mùa nắng nóng
- 07-04-2024Bé trai 3 tuổi bị bỏ quên trong ô tô suốt 2 tiếng ngày nắng nóng, tử vong thương tâm ngay ở sân nhà mà không ai biết
Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung đang bước vào đợt nghỉ lễ 5 ngày cũng chính là đợt nắng nóng cao điểm, khắc nghiệt nhất từ đầu năm. Vì vậy việc sử dụng điều hòa sao cho vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm lại càng được nhiều gia đình quan tâm.
Ở một bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu tới độc giả một nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Ả Rập Xê Út, thực hiện đo lường đối chiếu giữa 2 chiếc điều hòa - điều hòa thường và điều hòa Inverter trong khoảng thời gian 108 ngày. Qua đó lý giải ví sao bật điều hòa vào quãng thời gian đầu chiều khoảng 14h00 đến 20h00 hoặc 22h00 (tùy mùa) lại tiêu tốn nhiều điện năng hơn cả.
Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục phân tích kỹ thử nghiệm của các chuyên gia trước đó mà cùng xem chi tiết hơn về con số điện năng mà 2 chiếc điều hòa được sử dụng tiêu thụ. Đặc biệt là con số mà 2 thiết bị tiêu thụ trong khung giờ này.
Số điện điều hòa tiêu thụ trong buổi chiều là bao nhiêu?
Các chuyên gia đã bật 2 chiếc điều hòa 24/24, từ ngày 16/7 - 31/10 năm 2019. Từ đó đưa ra bảng phân tích chi tiết lượng điện thiết bị tiêu thụ trong từng giờ của các ngày tiêu biểu trong tháng. Từ đó có thể thấy con số điện mà 2 chiếc điều hòa tiêu thụ trong các khung giờ.
4 ngày tiêu biểu trong tháng được lựa chọn là ngày 21 tháng 7, 21 tháng 8, 18 tháng 9 và 21 tháng 10. Qua bảng phân tích có thể thấy, trong 2 ngày được chọn của tháng 7, tháng 8, vào khung giờ nắng nóng cao điểm từ 14h00 chiều, điều hoà thường tiêu tốn hết 1.2kWh. Lượng tiêu thụ này duy trì xuyên suốt buổi chiều và bật tăng vào khung giờ 16h00 - 18h00, lên tới 1.4 - 1.5kWh. Thậm chí khi đã qua khung giờ chiều, sang đến buổi tối, lượng điện năng chiếc điều hòa thường tiêu thụ vẫn duy trì ở mức cao.
Ở tháng 9 và tháng 10, thời tiết có lẽ đã chuyển dần sang thu, mát mẻ hơn. Cũng bởi vậy, điện năng chiếc điều hòa thường tiêu thụ cũng giảm đi phần nào. Ở khung giờ tương tự với tháng 7, 8 con số lúc này chỉ còn 0,8 - 1,2kwh. Buổi tối có lúc tăng lên là 1,3kWh.
Tương tự như ở chiếc điều hòa thường, trung bình khung giờ cao điểm nắng nóng nhất trong ngày, điều hòa cũng Inverter cũng tiêu tốn nhiều điện năng nhất so với các khung giờ còn lại. Tuy nhiên, con số thấp hơn hẳn. Cụ thể, vào tháng 7, con số điện năng chỉ rơi vào khoảng 0,7kWh lúc 14h00-15h00 chiều, khoảng 17h00-18h00 con số có xu hướng tăng lên nhưng tăng rất ít, chỉ đạt 0,8kWh.
Kết quả ở tháng 8 cũng khá giống, chỉ khác là vào khung giờ 18h00 - 20h00, điều hòa Inverter tiêu thụ lượng điện cao nhất ngày, đạt 1,2kWh. Vào tháng 9 và tháng 10, con số điện năng có xu hướng giảm, chỉ còn dao động từ 0,5 - 0,6kWh vào khung giờ tương tự.
Lý giải cho việc điều hòa tiêu thụ nhiều điện vào khung giờ nắng nóng, các chuyên gia đưa ra phân tích rằng: Nhiệt độ ngoài trời cũng có thể ảnh hưởng phần nào tới điện năng mà thiết bị tiêu thụ. Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao, lên ngưỡng gần 40 độ C, điều hoà sẽ cần hoạt động với công suất cao hơn để tối ưu việc làm mát, thậm chí có lúc đạt tới công suất tối đa. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của con người. Chính vì vậy, lượng điện năng tiêu tốn sẽ nhiều hơn khi thiết bị chỉ hoạt động với công suất thấp, trong giai đoạn thời tiết mát mẻ hơn.
Qua thử nghiệm trên, chúng ta cũng thấy rõ hơn về tính tối ưu trong việc tiết kiệm điện năng của điều hòa được trang bị công nghệ Inverter so với điều hòa thường. Thêm vào đó là sự duy trì mức điện năng tiêu thụ luôn ở mức ổn định, thông qua đường biểu đồ điện năng tiêu thụ ở các khung giờ trong ngày, ít gấp khúc hơn hẳn.
Dùng điều hoà sao cho tiết kiệm?
Như đã nói, vào mùa hè hay những khung giờ nắng nóng cao điểm, việc sử dụng điều hoà để làm mát là nhu cầu vô cùng thiết yếu đối với mọi gia đình. Tuy nhiên, cũng có những mẹo nhỏ mà người dùng có thể tham khảo và áp dụng để việc sử dụng điều hoà vừa đem lại hiệu quả, tiết kiệm lại an toàn.
Đầu tiên đó là ngay từ bước chọn mua điều hoà, bên cạnh các loại điều hòa được trang bị công nghệ Inverter, người dùng cũng có thể tham khảo các loại có nhãn năng lượng nhiều sao. Đây là điều ít người để ý khi mua điều hoà nói riêng cũng như các thiết bị điện nói chung. Các thiết bị có nhãn năng lượng nhiều sao tức là có hiệu suất tiết kiệm điện năng tốt hơn so với các loại ít sao. Hiện nay nhãn có 5 sao tiêu chuẩn, càng nhiều sao thì thiết bị tiết kiệm điện càng tốt.
Cách thứ 2 cũng là cách làm được Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN khuyên người dùng nên thực hiện đó là sử dụng điều hoà kết hợp với quạt, hoặc sử dụng luân phiên 2 thiết bị. Việc sử dụng kết hợp sẽ giúp giảm tải cho điều hoà, khi này người dùng chỉ cần bật điều hoà ở chế độ thấp, từ đó thiết bị tiêu tốn ít điện năng hơn. Còn việc sử dụng luân phiên, phân bổ thời gian sử dụng 2 thiết bị sẽ giúp điều hoà có thời gian nghỉ ngơi.
Lý tưởng nhất là sử dụng điều hoà không quá 15-20 tiếng một ngày kể cả vào những ngày nhiệt độ đạt ngưỡng cao. Thời gian còn lại hãy sử dụng quạt để thay thế.
Để điều hoà hoạt động hiệu quả, tiết kiệm và lâu bền, người dùng cũng cần nhớ không nên bật thiết bị liên tục ở nhiệt độ thấp. Nhiều gia đình mặc định việc cài đặt thiết bị ở chế độ nhiệt thấp, dưới 20 độ sẽ giúp việc làm mát được tối ưu hơn. Tuy nhiên lâu ngày nó sẽ dẫn tới hậu quả thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng, hoạt động quá tải liên tục gây suy giảm tuổi thọ và ảnh hưởng phần nào tới sức khoẻ con người.
Chính vì vậy, hãy tham khảo trình tự sử dụng điều hoà sau đây: Khi mới bật điều hoà, cài đặt ở chế độ nhiệt thấp khoảng 21-23 độ C, sau 30 - 60 phút, điều chỉnh dần điều hoà về chế độ nhiệt trên 25 độ (lý tưởng nhất là khoảng 26-28 độ, có thể dùng cùng quạt) và duy trì ở mức nhiệt này.
Cuối cùng là người dùng nên kiểm tra và bảo dưỡng điều hoà thường xuyên, sửa chữa ngay trong trường hợp phát hiện ra dấu hiệu của hỏng hóc bất thường. Những hỏng hóc bên trong thiết bị tưởng chừng nhỏ nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới 1 phần quá trình vận hành, từ đó khiến thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Đời sống Pháp luật