Bất động sản Bình Dương hút vốn ngoại
Thị trường bất động sản (BĐS) ở tỉnh Bình Dương chưa hồi phục như kỳ vọng nhưng với làn sóng nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào những tháng đầu năm 2023 đã minh chứng sức hút khó cưỡng tại "thủ phủ công nghiệp" này.
- 23-08-2023Phân khúc bất động sản nào sẽ trở xu hướng đầu tư từ cuối năm 2023?
- 23-08-2023"Đây có thể không phải thời điểm tốt để bán nhưng là thời điểm tốt để đi mua"
- 23-08-2023Chủ nhà liên tục rao bán gấp nhà trong ngõ hơn trăm triệu đồng/m2 để trả nợ nhưng vẫn khẳng định: “Không thương lượng!”
Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Bình Dương, 7 tháng của năm 2023, thị trường BĐS trên địa bàn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, ngoài liên quan thủ tục pháp lý thì nguyên nhân lớn nhất là do tính thanh khoản giảm và các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn.
Anh Nguyễn Thành Đạt - nhân viên môi giới BĐS chuyên về phân khúc đất nền tại khu vực TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, huyện Phú Giáo… - cho biết từ đầu năm đến nay anh chỉ mới giao dịch thành công 1 lô đất. "Đây là lô đất thuộc một án đã mở bán từ 2 năm trước, khách kẹt tiền quá nên nhờ bán lại, giá còn rẻ hơn lúc mua" - anh Đạt nói.
Trong khi đó, ở phân khúc căn hộ, nhiều đơn vị phân phối dự án chung cư đang "khóc ròng" vì thị trường ế ẩm, dù đã đưa ra các mức chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn nhưng người mua vẫn quay đầu.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Nhà ở và Thị trường BĐS - Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho hay phân khúc căn hộ chung cư tại các địa phương phía Nam như TP Thuận An, Thủ Dầu Một, thị trường đã có dấu hiệu bão hòa, về mặt giá không còn xu hướng tăng nhanh và dần ổn định, giao dịch chậm. Riêng TP Dĩ An, nhu cầu và mức độ quan tâm về nhà ở chung cư vẫn cao, do nguồn cung mới về dự án nhà ở liền kề tại đây rất ít, hầu như không có dự án mới.
Khách hàng tham quan một dự án đang mở bán ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương
Đối với phân khúc đất nền riêng lẻ và đất nền tại các dự án cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để người dân tự xây dựng, số lượng giao dịch và mức giá giao dịch theo khảo sát có xu hướng giảm từ quý III/2022.
Đồng thời, nguồn cung từ dự án mới không có. "Lượng tồn kho, tính cả các dự án sau một năm kể từ ngày BĐS đó đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh đang có xu hướng tăng. Tính đến cuối năm 2022, theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư dự án, còn khoảng 1.600 căn" - ông Vinh nói.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường BĐS Bình Dương lại rất khả quan, tác động tích cực đến tổng vốn thu hút đầu tư của tỉnh. Có thể kể đến như dự án cấp mới của Công ty TNHH HADA, với tổng vốn đầu tư 1,07 triệu USD; 4 lượt đăng ký góp vốn, mua phần vốn góp với tổng vốn đầu tư gần 469 triệu USD gồm: Công ty CP Phát triển công nghiệp BW với vốn đăng ký 31,15 triệu USD, Công ty CP Sao Mộc Toàn Quốc với vốn đăng ký 160,78 triệu USD, Công ty CP Sao Thổ Toàn Quốc với vốn đăng ký 160,78 triệu USD...
Người Lao Động