Bất động sản có cơ hội gạn đục khơi trong: Thị trường sẽ lành mạnh hơn
Những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, có tiềm lực, đầu tư vào những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu vẫn có thể phát triển trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA):
Phân khúc vừa túi tiền luôn bền vững
Thời gian qua, việc nhà nước tiến hành rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản (BĐS), nhà ở thương mại là rất cần thiết, nhằm giúp thị trường BĐS minh bạch, phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Đây cũng là đợt sàng lọc để loại bỏ những doanh nghiệp (DN) BĐS bất lương, làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo.
Thực tế cho thấy dù có nhiều dự án bị đình trệ vì vướng thủ tục pháp lý nhưng các giao dịch mua bán trên thị trường BĐS TP HCM về tổng thể vẫn tốt do tổng cầu có khả năng thanh toán cao. Gần như 100% căn hộ trung cấp, căn hộ bình dân đã được tiêu thụ và có những dự án nhà ở cao cấp có tỉ lệ hấp thụ lên đến hơn 60% trong năm 2019.
Một dự án khu đô thị tại quận Thủ Đức (TP HCM) Ảnh: PHẠM ĐÌNH
Tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, chủ yếu ở phân khúc cao cấp dẫn đến giá nhà đất tăng nhưng việc này chỉ đem lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư trong khi khách hàng lại bị thiệt vì phải mua nhà giá cao hơn. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị, sẽ khó tạo lập nhà ở hơn. Do đó, tôi luôn ủng hộ các chủ đầu tư làm nhà ở phân khúc vừa túi tiền. Bởi, dù ở giai đoạn nào, thị trường khó khăn hay tăng trưởng thì phân khúc này vẫn ổn định. Còn nhớ những năm trước, khi thị trường BĐS còn ảm đạm, những chủ đầu tư như Nam Long, Hưng Thịnh, Nhà Thủ Đức… đã nổi lên và phát triển tốt nhờ tập trung vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Ông TRẦN KHÁNH QUANG, chuyên gia BĐS:
Làm ăn chụp giật sẽ chết!
Trong giai đoạn khó khăn, thị trường BĐS chắc chắn sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc và có sự thanh lọc, đào thải giữa các chủ thể tham gia, gồm: các chủ đầu tư, DN môi giới và cả người mua.
Thực tế, nếu các DN có sự chuẩn bị ít nhất từ 1 năm trước thì mới có thể cầm cự và tồn tại, nhất là những đơn vị môi giới hoặc những chủ đầu tư có dự án nhỏ. Còn không sẽ khó cầm cự trước cơn bão của thị trường năm nay. Cụ thể, khi thị trường BĐS đi xuống, tín dụng cho lĩnh vực này cũng không nhiều. Vì vậy những DN có tầm nhìn ngắn hạn, làm ăn chụp giật sẽ không đủ lực để chống chọi. Ngược lại, nếu DN có đủ lực sẽ chủ động tái cơ cấu, giữ vững nguồn lực, có tiền để có thể "sống ổn" trong 12 tháng.
Ngoài ra, nếu DN có sản phẩm phù hợp, nằm ở phân khúc bình dân sẽ được hấp thụ tốt nhưng quan trọng hơn hết là phải có đầy đủ pháp lý. Trong khi đó, phân khúc cao cấp sẽ chững lại vì người mua chủ yếu là giới có tiền, chủ các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này cũng đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Tôi kỳ vọng TP HCM sẽ sớm cho phép DN tham gia triển khai các dự án nhà giá thấp ở những quận, huyện ven TP nhằm vực dậy thị trường BĐS đang trầm lắng.
Riêng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, tôi cho rằng chỉ các chủ đầu tư lớn, bài bản mới có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn rất lớn này.
Bà NGUYỄN HƯƠNG, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land:
Phải có tầm nhìn dài hạn
Chúng tôi không nhìn ngắn hạn nên hầu hết các dự án mà chúng tôi triển khai đều dài hơi và bài bản, quy mô đúng tầm của một khu đô thị đầy đủ tiện ích. Theo đó, tại khu đô thị Vạn Phúc quy mô 130 ha ở quận Thủ Đức, các hạng mục công trình vẫn được triển khai rầm rộ. Ngay trong những ngày đầu năm 2020, dù thị trường BĐS vẫn rất khó khăn nhưng công ty vẫn tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch. Chúng tôi vừa công bố cho khách hàng, nhà đầu tư biết được thông tin Đại Phúc Land vẫn chi 2.500 tỉ đồng để hoàn thành 10 hạng mục của dự án khu đô thị Vạn Phúc ngay trong năm nay.
Với chiến lược đó, chúng tôi tự tin dù thị trường chung khó khăn nhưng giá BĐS ở khu đô thị Vạn Phúc vẫn sẽ tăng, chỉ là ít hay nhiều chứ không đứng hay giảm giá. Thực tế, nhà phố liến kế ở khu vực này đã tăng giá gần gấp đôi so với 1-2 năm trước với giá từ 6 tỉ đồng đến hơn 20 tỉ đồng tùy theo diện tích, vị trí.
Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG, Đoàn Luật sư TP HCM:
Cẩn thận, tránh bị lừa
Hiện nay trên thị trường BĐS, nhiều tổ chức môi giới mạo nhận là chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư thứ cấp hùn vốn rồi đứng ra nhận tiền đặt cọc, tiền giữ chỗ, góp vốn… của người mua nhà, đất. Từ đó gây rủi ro rất lớn cho khách hàng. Do đó, người mua BĐS cần yêu cầu đơn vị môi giới cung cấp thông tin chủ đầu tư (tên chủ đầu tư, thông tin dự án liên quan chủ đầu tư, văn bản ủy quyền cho nhà môi giới giao dịch và nhận tiền đặt cọc…). Sau đó, liên hệ với cấp xã hoặc huyện nơi dự án tọa lạc để hỏi về thông tin dự án.
Trường hợp bên rao bán không cung cấp văn bản (thường là bản photocopy) của cơ quan nhà nước với đầu tư (như quyết định chấp thuận, quyết định phê duyệt dự án, văn bản phê duyệt phương án bồi thường…) thì không nên ký hợp đồng. Trường hợp đã có được văn bản của cơ quan nhà nước thì trước khi ký kết hợp đồng cũng cần phải liên hệ chính quyền địa phương để xác minh lại một lần nữa.
Ngoài ra, nếu hợp đồng đặt cọc do đơn vị môi giới ký kết luôn phải đính kèm văn bản ủy quyền của chủ đầu tư hoặc có ký xác nhận của công ty chủ đầu tư. Khi thực hiện đủ các bước như trên có thể gây phiền hà và có thể không ký được hợp đồng nhưng người mua lại hạn chế được rủi ro bị lừa gạt.
Cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực
Giám đốc một công ty chuyên về tư vấn, nghiên cứu thị trường BĐS tại TP HCM cho rằng khi thị trường BĐS khó khăn cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực tiến hành mua lại dự án resort, khách sạn, BĐS nghỉ dưỡng, thương mại của những chủ đầu tư không đủ lực hay thua lỗ hoặc săn các quỹ đất để triển khai dự án. Sau đó, những người chủ mới tiếp tục hoàn thiện pháp lý, hợp tác với các thương hiệu nước ngoài lớn và uy tín để gia tăng giá trị dự án kinh doanh hoặc bán lại cho các nhà đầu tư khác.
Người lao động