Bất động sản Đà Nẵng ổn định và bền vững trong thời kỳ mới
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản nhận định, để có thị trường BĐS ổn định và bền vững thì đòi hỏi phải có một nền kinh tế - xã hội phát triển ổn định và bền vững; quy hoạch và phát triển đô thị lấy chiến lược và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội làm trung tâm.
Nhiều lợi thế cho bất động sản Đà Nẵng cất cánh
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản cho biết, hiện nay Đà Nẵng đang có những điểm nổi bật làm nền tảng phát triển cho thành phố trong thời kỳ mới. Cụ thể như: TP. Đà Nẵng nằm ở vị trí chiến lược tại “trung điểm” của đất nước, với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ và phát triển, đấu nối thông suốt các tuyến trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng có điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi. Là đô thị có bờ biển dài nổi tiếng và đẹp hàng đầu trên thế giới, lại có sông ngòi dọc ngang, có núi rừng rộng lớn tạo nên một đô thị với khí hậu mát mẻ, hài hòa; đồng thời, đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục hàng đầu tại miền Trung. Điều này góp phần chung vào quá trình phát triển kinh tế và phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, môi trường văn hóa tại địa phương. Làm gia tăng giá trị cho bất động sản tại địa phương.
Ngoài ra, thương hiệu “Thành phố đáng sống” đã được định vị khá chắc chắn trên nền tảng con người Đà Nẵng hiền hòa, dễ mến; môi trường an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội hiện đại, hoàn chỉnh; Nhiều công trình mang tính biểu tượng như cầu Rồng, cầu sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, tòa nhà trung tâm hành chính…đã góp phần tạo nên một diện mạo đô thị Đà Nẵng phát triển năng động và hiện đại.
Bên cạnh những lợi thế, ông Lập cũng đã chỉ ra những hạn chế và thách thức cho sự phát triển trong thời kỳ tới. Cụ thể về quy hoạch của các thời kỳ trước được triển khai dàn trải, tập trung phát triển theo chiều rộng đã làm cho nguồn lực đất đai của thành phố cạn kiệt, chất lượng và hiệu quả sử dụng đất thấp. Quỹ đất có vị trí thuận lợi, gần trung tâm, giá trị thương mại lớn đã trở nên khan hiếm. Điều này sẽ tạo ra nhiều áp lực cho nguồn thu ngân sách của thành phố trong tương lai và thiếu quỹ đất đẹp để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh.
Đồng thời, cơ cấu quỹ đất, nguồn lực đất đai được quy hoạch và phân chia theo mục đích sử dụng còn chưa hợp lý. Tỷ trọng đất sử dụng cho mục đích dân dụng, sử dụng để ở tính trên đầu người khá cao, đa phần là dạng phân lô, đất nền, hệ số sử dụng đất không cao; chất lượng thiết kế và triển khai các đồ án quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quy hoạch manh mún, thiếu kết nối, đồng bộ đã tạo nên những khu dân cư đơn điệu, thiếu bản sắc, thiếu các công trình hạ tầng thiết yếu như công viên cây xanh, khu vui chơi, nhà văn hóa, khu thể thao…
Đô thị hóa, quy hoạch đô thị thiếu sự gắn kết với phát triển sản xuất, phát triển nội lực kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc quy hoạch và phát triển đô thị thiếu gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người dân đối với quỹ đất phục vụ mục đích thương mại và sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh chiến lược giữa các địa phương lân cận tại khu vực; quản lý và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hiện hữu. Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu dân cư mới được bàn giao, Thành phố sẽ tốn thêm nhiều ngân sách để quản lý, vận hành.
Giải pháp phát triển bền vững
Ông Lập cho rằng, sự phát triển của thị trường bất động sản luôn bị gắn chặt và phụ thuộc chủ yếu vào quá trình đô thị hóa và quy hoạch phát triển đô thị tại mỗi địa phương. Thông qua quy hoạch, nhà nước sẽ điều tiết lượng cung trên thị trường để tạo ra các loại hình sản phẩm bất động sản khác nhau, phục vụ cho mục đích tiêu dùng của người dân và làm tư liệu sản xuất cho các tổ chức, cá nhân để triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thị trường bất động sản phát triển bền vững chỉ khi cơ cấu sản phẩm hàng hóa bất động sản được phân bổ hợp lý, đảm bảo hài hòa cho các mục đích sử dụng khác nhau và gắn với mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương. Sản phẩm bất động sản làm ra được thị trường hấp thụ và đưa vào sử dụng, không bị bỏ hoang kéo dài; giá cả hàng hóa phù hợp theo quy luật kinh tế thị trường. Thị trường bất động sản phải góp phần hỗ trợ và phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại, khi kinh tế phát triển, xã hội phát triển văn minh hơn sẽ là động lực giúp gia tăng giá trị bất động sản, làm cho thị trường bất động sản thêm phát triển.
Theo ông Lập, để phát triển trong thời kỳ mới Đà Nẵng cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng quát hiện trạng sử dụng đất để điều tiết lại nguồn cung sơ cấp đất đai khi hiện thực hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Giai đoạn trước mắt, cần hạn chế quỹ đất dành cho khu dân cư mới để tăng tỷ lệ lấp đầy cư dân tại các dự án hiện hữu.
Đồng thời, Đà Nẵng không thể điều tiết hạ thấp mặt bằng giá bất động sản bằng việc tăng nguồn cung đất ở, tăng cung các dự án đất nền vì mục tiêu chung hiện nay là giảm dần tỷ lệ chỉ tiêu diện tích đất đơn vị ở bình quân đầu người ở mức rất cao hiện nay về theo quy chuẩn mới và nâng cao hệ số sử dụng đất. Để hạn chế việc tăng giá đất ở, có thể nghiên cứu phát triển mạnh loại hình chung cư cao tầng để làm sản phẩm thay thế cho nhà ở phân lô. Cần ưu tiên phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu hiện hữu của người dân.
Ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại, gắn với phát huy nội lực kinh tế địa phương. Cần nghiên cứu phát triển các cụm công nghiệp, cụm thương mại dịch vụ với quy hoạch chia lô hợp lý, đáp ứng cho nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương; nghiên cứu giải pháp quản lý, xây dựng các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể đối với các tuyến dân cư cho phép sử dụng đất ở kết hợp công trình thương mại dịch vụ để kinh doanh. Tránh gây ra quá tải, ô nhiễm và xung đột hạ tầng.
Ngoài ra, để có thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững, chính quyền cần có các giải pháp kiểm soát và quản lý chặc chẽ các đối tượng tham gia thị trường, chống đầu cơ, thổi giá, mua bán, làm ăn chụp giật...
"Để có thị trường bất động sản ổn định và bền vững thì đòi hỏi phải có một nền kinh tế - xã hội phát triển ổn định và bền vững. Quy hoạch và phát triển đô thị phải lấy chiến lược và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội làm trung tâm; thị trường bất động sản phát triển phải phục vụ cho mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội", ông Lâp nhận định.
Nhà đầu tư