Bất động sản hạng sang TP.HCM trỗi dậy mạnh mẽ
Sau một thời gian dài vắng bóng, các dự án bất động sản hạng sang ở TP.HCM đang có dấu hiệu rục rịch. Tuy nhiên, theo nhận định của một vài chủ đầu tư tại Đại hội Nhiệm kỳ III (2016-2011) Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) sáng nay, phân khúc nhà ở hạng sang trở lên sẽ khó đạt mức thanh khoản tốt sau hơn một năm "ăn nên làm ra".
- 28-12-2016Một doanh nghiệp BĐS ở Hà Nội thưởng tết bằng 11 ô tô hạng sang cho nhân viên
- 08-12-2016Khách sạn hạng sang Việt Nam đua nhau đổi chủ
- 06-12-2016D'. Le Roi Soleil - Dự án nổi bật tại phân khúc BĐS hạng sang
- 17-11-2016Cận cảnh nhà xe "5 sao" hạng sang, có khu thương mại ở sân bay Tân Sơn Nhất
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, năm 2016, tồn kho bất động sản còn khoảng 31.842 tỷ đồng, giảm 19.047 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó, TP.HCM tồn kho 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng. Thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục, tuy không mạnh mẽ như năm 2015, nhưng một số phân khúc vẫn chứng tỏ được sức hút.
Kết quả hoạt động của thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016 cho thấy nhà ở vừa túi tiền chiếm 79,7%, vẫn là phân khúc chủ đạo. Xét về giá cả, năm 2016, giá bán căn hộ chỉ tăng trên dưới 5%, giá bán đất nền có mức tăng cao hơn, khoảng trên dưới 10% tùy theo loại sản phẩm, tiện ích, hoặc vị trí.
Năm 2017, dự báo thị trường bất động sản vẫn trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. Dự báo đến năm 2020, thị trường sẽ có sự điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc cao cấp (bao gồm cả bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng).
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, từ quý II/2016, thị trường ghi nhận sức mua trở lại của phân khúc bất động sản hạng sang, có giá chào bán sơ cấp từ 3.500 USD/m2 (80 triệu đồng/m2) trở lên.
Hoạt động mua bán của phân khúc này im ắng từ năm 2014, sôi động một chút vào quý III/2015 và nay có dấu hiệu nhộn nhịp hơn với lượng cung từ Vinhomes Golden River (khoảng 1.000 căn hộ của khu Aqua), D’.Palais de Louis (242 căn), tổ hợp Madison (187 căn), Waterfront Saigon (33 căn), Lavenue Crown (200 căn), The One (420 căn), The Nassim Thảo Điền (238 căn hộ)... Điểm chung là phần lớn các dự án này đều có vị trí đẹp ở quận 1.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Bộ phận khảo sát thị trường của CBRE Việt Nam dự đoán, trong năm 2017, căn hộ hạng sang sẽ chiếm khoảng 3% tổng lượng cung. Tỷ lệ này năm 2016 là 1%.
Theo đó, trong năm tới, riêng phân khúc nhà ở vừa túi tiền, thị trường TP.HCM sẽ đón nhận khoảng 10.000 căn hộ. Trong khi đó, phân khúc căn hộ hạng sang vượt gấp đôi, đa số dự án nằm tại các quận trung tâm thành phố và khu Đông. Điển hình như hàng nghìn căn hộ thuộc dự án The Empire City ngay Thủ Thiêm, hay dự án hơn 200ha của Novaland tại Thạnh Mỹ Lợi và 100ha của Him Lam Land tại khu sân golf cũ thuộc quận 2 và tất nhiên không thể không nhắc tới khu đô thị Sala của Đại Quang Minh cũng với hơn 100ha ở ngay trung tâm Thủ Thiêm...
Đó là chưa kể đến gần 5.000 căn hộ thuộc dự án Saigon Peninsula với vốn đầu tư trên 6 tỷ USD và 4 dự án siêu sang khác của đại gia Trương Mỹ Lan sẽ ra mắt trong năm 2017 tại khu Nam.
Về dự báo giá bán, do nhiều dự án thuộc phân khúc này có diện tích rất lớn nên nguồn cung của khu Đông cũng rất đa dạng về mặt bằng giá. Đắt nhất có lẽ là khu Thủ Thiêm với giá khoảng USD4,000 - USD6,000/m2. Xa hơn một chút là khu Xa Lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống giá rơi vào khoảng USD2,500-USD3,000/m2.
Ông Võ Văn Hữu Phước - Giám đốc Bộ phận định giá và nghiên cứu Cushman & Wakefield Việt Nam thì cho rằng, năm 2017, phân khúc hạng sang có sự tăng trưởng, nhưng nhóm bất động sản cao cấp lại có nguồn cung khá lớn. Điều này có thể dẫn đến thừa cung nhóm cao cấp và ảnh hưởng đến sức mua phân khúc hạng sang trong tương lai. Ông Phước cũng cho rằng trong năm 2017, phân khúc nhà trung cấp và bình dân vẫn sẽ dẫn dắt thị trường.