Buôn nhà đất: Người trúng đậm ngàn tỷ, kẻ tù tội nợ nần
Các đại gia BĐS năm 2014 tiếp tục đổ một dòng tiền lớn vào BĐS và ăn nên làm ra, là động lực giúp thị trường hứng khởi và luôn sôi động. Song, cũng không ít người lại lao đao, dính vòng lao lý chỉ vì trót "ném tiền" và thua lỗ do bất động sản.
Bắt tay ngàn tỷ từ khối ngoại
Giữa năm 2014, tỷ phú Phạm Nhật Vượng khuấy động thị trường BĐS phía Nam khi chính thức khởi công dự án 30.000 tỷ đồng, trong đó có tòa tháp 81 tầng, soán ngôi cao nhất Việt Nam. Ngay sau đó, taị Hà Nội, vị tỷ phú này tiếp tục tạo cơn sốt cho thị trường với hàng trăm căn hộ Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.
Điều mà không ít chủ đầu tư khác thèm muốn khi nhìn vào các dự án của tỷ phú đô la đầu tiên tại Việt Nam là tuy giá cao nhưng người mua vẫn xếp hàng, nhất là tiến độ cũng như hạ tầng luôn đảm bảo.
Người giàu nhất Việt Nam cũng lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ khi chính thức mua lại hệ thống siêu thị Ocean Mart. Tháng 7/2014, Vingroup công bố chiến lược phát triển chuỗi hệ thống Bệnh viện Vinmec với 10 bệnh viện tại các địa phương.
Cập nhật mới nhất của Forbes, tổng giá trị tài sản của ông Vượng ngày 12/9/2014 là 1,5 tỷ USD. Tới thời điểm này, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam.
Thông qua các thương vụ M&A, đại gia Trịnh Văn Quyết của FLC cũng gây chú ý trên thị trường BĐS năm 2014. Trong đó phải kể tới hai thương vụ mua bán sáp nhập đình đám là dự án 36 Phạm Hùng với 198 tỷ đồng và FLC Garden City, rộng gần 8ha tại xã Đại Mỗ. Gần đây nhất, The Lavender cũng đã về tay FLC. Trong năm 2014, FLC cũng đã chính thức khởi công dự án sân golf và căn hộ ở Thanh Hóa.
Để tạo ra dòng tiền, hai đại gia trên liên tục công bố chào bán dự án và không ngừng huy động vốn ngoại từ các quỹ nước ngoài. Sau thương vụ ký kết hợp tác trị giá 40 triệu USD với quỹ ngoại tháng trước, FLC đang chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Singapore, sau khi nhiều lần huy động vốn thành công trên sàn TP.HCM.
Với tham vọng phát triển các dự án trên cả nước, đặc biệt là Quảng Ninh, mới đây đại gia Tuần Châu vừa ký kết vay một ngân hàng số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển cũng là đối tác trong dự án Marina City Hạ Long. Dự án được xây dựng tại vị trí trung tâm bến du thuyền mới và toàn bộ khu vui chơi giải trí với tổng diện tích 70 ha đất trên đảo Tuần Châu, do tập đoàn này quản lý. Dự án có tổng mức đầu tư 7,5 tỷ USD.
Huy động dòng tiền từ nội lực
Trái ngược với tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay ông Quyết FLC, đại gia Lê Thanh Thản hay ông Đường Bia lại triển khai dự án hầu hết từ nguồn vốn cá nhân hoặc thông qua việc bán hàng gối đầu các dự án.
Ở phân khúc căn hộ giá rẻ, đại gia Lê Thanh Thản liên tục tung ra thị trường hàng nghìn căn hộ. Đầu năm 2014 là dự án VP6 Linh Đàm, còn cuối năm là HH3, HH4. Với mức giá tương đối mềm chỉ dưới 1 tỷ đồng, ngay lập tức các căn hộ đã được thị trường hấp thụ.
Hàng loạt khách sạn được khai trương thương hiệu Mường Thanh
Những ngày cuối năm, đại gia Nguyễn Hữu Đường gây chú ý thị trường BĐS với dự án chung cư dát vàng 6 sao tại Hà Nội. Đại gia vốn nổi tiếng về kinh doanh bia hơi này còn khiến mọi người sốc hơn khi quyết định dát vàng cho cả... nhà vệ sinh của tất cả các căn hộ của toà nhà thứ 2 thuộc tổ hợp này. Năm ngoái, giới bất động sản Hà Nội xôn xao khi ông Đường Bia cho dát vàng thành lan can căn hộ, phào chỉ ở sảnh và cửa thang máy ở dự án Hoà Bình Green City.
Ông trở nên nổi tiếng khi rất thành công với dự án đầu tay là tháp đôi Somerset Hòa Bình, chung cư cao cấp khu Vĩnh Phúc, Ba Đình, và nay là Hòa Bình Green City (505 Minh Khai).
Đại gia lao đao
Bên cạnh những ông chủ gặt hái thành công trong năm qua của lĩnh vực BĐS, không ít đại gia khách lại gặp họa trong năm 2014 này. Đơn cử như Quốc Cường Gia Lai, những lùm xùm bên lề về chuyện hy hôn với người đẹp Hà Hồ chưa được yên thì sóng gió trong lĩnh vực kinh doanh cũng đã khiến vị đại gia trẻ tuổi Nguyễn Quốc Cường (hay Cường đô la) gặp ít nhiều khó khăn.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) trong quý III báo cáo khoản phải trả các cá nhân lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tranh chấp liên quan tới căn hộ và thu hồi dự án khiến Quốc Cường Gia Lai phải hầu tòa.
Sự bất động của thị trường BĐS trong thời gian dài cũng bộc lộ rõ nhiều điểm yếu của các chủ đầu tư, điển hình là việc “tay không bắt giặc” khiến nhiều vị tổng giám đốc phải dính vòng lao lý.
Đầu tháng 3/2014, ông Hà Văn Sơn, Tổng giám đốc CTCP BĐS Việt Nam (VN Land), đã bị bắt để điều tra về việc cho thuê nhà “ảo” và một số hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại nhiều tỉ đồng. Trước đó, trong vụ án này, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Hoàng Ngọc Sáu (48 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc dầu khí (PVL), cũng để điều tra về hành vi trên.
Ngày 7/11, TAND thành phố Hà Nội tuyên tù chung thân bị cáo Lê Hồng Bàng (SN 1976, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tất cả đều do họ đã mất quá nhiều tiền khi ném vào BĐS và cố gỡ gạc lại chút ít bằng các hành vi phạm pháp.
>>Vingroup lập thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng mới
Theo Duy Anh