Công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo thị trường BĐS năm 2014
Một năm qua, hạ tầng đô thị ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình hoàn thiện và nhiều công trình mới được khởi công.
Tại Hà Nội, ba dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại khu vực bắc bao gồm đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân. Ba dự án có tổng mức đầu tư gần 27.000 tỷ đồng. Đây là những tuyến đường huyết mạch, hiện đại kết nối trung tâm Thủ đô với Đông Anh –Nội Bài.
Đường 5 kéo dài có tổng chiều dài13,5km, điểm đầu từ cầu Chui (Gia Lâm) qua cầu Đông Trù nối với Bắc Thăng Long –Nội Bài. Dự án được thông xe vào ngày 9/10/2014. Dự án đường 5 kéo dài, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội khu vực đông bắc Thủ đô. Góp phần kết nối giao thông từ Hải Phòng, Hải Dương tới sân bay Nội Bài, nhà ga quốc tế T2 và các tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội - Lào Cai
Dự án đường 5 kéo dài và cầu Đông Trù sau khi hoàn thành sẽ là trục giao thông xuyên suốt, kết nối và mở ra hướng phát triển cho khu vực phía Bắc sông Hồng.
Cầu Nhật Tân là một phần trong tổng dự án đường vành đai 2 - tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội dài là 43,6 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chiều dài 8,95km với quy mô 8 làn xe chạy, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Phần chính của cầu gồm dây văng liên tục 5 trụ tháp dài 1.500 m. Ngày 4/1/2015 công trình sẽ chính thức khánh thành, muộn hơn dự kiến vài tháng.
Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài với cầu Nhật Tân dài 12 km, trị giá 6.700 tỷ đồng mặt cắt ngang, phạm vi giải phóng mặt bằng của tuyến đường lên tới 100m, quy mô xây dựng 6 làn xe với bề rộng nền đường 32m và 2 đường gom. Công trình sẽ được khánh thành vào ngày 4/1/2015 cùng với cầu Nhật Tân.
Với tổng chiều dài 15 km, khi hoàn thành tuyến đường mới này sẽ rút ngắn cự ly và thời gian từ sân bay Nội Bài về nội đô Hà Nội
Ba công trình giao thông quan trọng này đã và đang chuẩn bị đưa vào sử dụng là nguyên nhân khiến giá đất Đông Anh bắt đầu có giá trở lại kể từ giữa năm 2014. Qua khảo sát và tìm hiểu thực tế thị trường khu vực này cho thấy, giá đất đã bắt đầu nhích lên dọc tuyến đường vành đai 2 (đoạn Bưởi) tới cầu Nhật Tân, sang khu vực Vĩnh Ngọc, Phương Trạch. So với năm 2013, giá nhà đất khu vực này đã tăng khoảng trên dưới 10%.
Còn tại TP.HCM, hàng loạt dự án hạ tầng được đầu tư xây dựng trong thời gian qua như metro, đại lộ Mai Chí Thọ, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2 nối khu vực Q.7 với Q.2, Q9... đã khiến thị trường bất động sản, đặc biệt là khu vực phía đông TP phát triển mạnh thời gian gần đây.
Đáng kể nhất phải nhắc đến Tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng. Đây là một trong những tuyến đường được đánh giá là sẽ đem lại sức bật cho vùng cửa ngõ phía Đông – Bắc thành phố. Dự án có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD, dài 13,7 km nằm trên hệ thống giao thông vành đai của TP HCM. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch với 12 làn xe lưu thông, kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề. Một số đoạn của tuyến đường đã được thông xe trong năm 2014, dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2015.
Bên cạnh đó tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây cũng vừa được đưa vào khai thác 20km giai đoạn 1 trong năm 2014, rút ngắn quãng đường kết nối giữa thành phố HCM và Bà Rịa Vũng Tàu. Toàn bộ tuyến cao tốc có chiều dài 55 km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng (vay của ngân hàng ADB, JICA và vốn đối ứng). Đây là dự án hết sức quan trọng nằm trên trục cao tốc Bắc Nam ở phía Đông, nằm trên địa bàn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có tính kết nối rất cao giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Bà rịa Vũng Tàu, với cảng hết sức lớn với các khu công nghiệp của khu vực Đồng Nai và sẽ được kết nối ra khu vực phía Bắc như Phan Thiết, Nha Trang.
Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thiện 20km đầu tiên
Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông ở phía Đông TP.HCM được khẩn trương hoàn thiện, đặc biệt là Tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài và tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, giới kinh doanh địa ốc kỳ vọng, sự bứt phá của cơ sở hạ tầng sẽ mở lối cho thị trường bất động sản phát triển.
>>>Tình hình một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại Tp. Hồ Chí Minh
Mộc Lan
(Nguồn ảnh internet)