"Đất vàng" chung cư cũ nát, bất đồng lợi ích khó mà đột phá
Chung cư cũ trong suốt hơn 10 năm qua luôn là một vấn đề nóng của dư luận. Nhưng bài toán cải tạo chung cư cũ vẫn đang chỉ dừng lại ở những giải pháp được đưa ra, việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện thủ đô còn hơn 1.500 chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 - 1980. Chung cư cũ ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan đô thị và rất nguy hiểm cho người dân khi sinh sống tại các khu được gọi là “ổ chuột” giữa lòng đô thị.
TS Nguyễn Minh Phong chuyên gia kinh tế cho biết“Nếu như nói cấp 3 là cao nhất thì đa số chung cư cũ đều ở tình trạng cấp 2 và khoảng 1/3 chung cư cũ đã ở mức cấp 3 và có thể sẽ đổ sập bất kỳ lúc nào. Như hiện tượng sụp nhà đột ngột tại phố cổ đã xảy ra là vô cùng nguy hiểm. Còn nếu như chung cư mà đổ sập thì chắc chắn rằng con số thương vong sẽ rất lớn và còn nhiều thiệt hại hơn nữa”.
Vấn đề cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn trong suốt thời gian qua chính là do chưa có sự hài hòa lợi ích của các bên. Mà cụ thể là doanh nghiệp khó thu lại lợi nhuận khi đầu tư xây dựng, người dân khó ổn định cuộc sống nếu như chuyển tới một nơi mới, còn nhà nước thì chính sách không thể để tăng cao mật độ xây dựng và dân cư tại khu vực trung tâm thành phố.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS thì cần phải phải giải quyết từng vấn đề cụ thể để đưa ra được sự thống nhất và hiệu quả trong công tác cải tạo chung cư cũ.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng: “ Cần phải hài hòa giữa lợi ích 3 bên là nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Người dân cần được sống ở một nới mới tốt hơn, cuộc sống vẫn được đảm bảo như chỗ ở cũ. Doanh nghiệp được lợi nhuận sau khi tiến hành xây dựng và bán căn hộ. Quan trọng nhất là nhà nước giải quyết được thực trạng đáng buồn hiện nay là giải quyết được những khu chung cư cũ nát ”.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB BĐS Hà Nội
Các chính sách nhà nước chính là yếu tố đầu tiên để có thể quyết định được lợi ích hài hòa của các bên, khi có chính sách cụ thể, thì phải thực hiện theo hình thức nghiêm ngặt và buộc người dân phải tuân theo khi đã có sự thống nhất giữa chính sách đền bù tái định cư cũng như lợi nhuận mà doanh nghiệp sẽ có được:
“ Rõ ràng chúng ta cần có những chế tài đặc biệt, đó là những khu trọng điểm ở 4 quận nội thành buộc dân phải di dời, và nếu như người dân đó di dời ra khu mới thì họ phải có một cuộc sống tốt hơn ở nơi cũ.
Chẳng hạn như hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là tiện ích nó phải tốt hơn nơi ở cũ. Còn đối với các hộ dân đang kinh doanh ở tầng một khu vực nội đô thì khi chuyển ra một nơi mới họ cũng phải được một kiot để kinh doanh và một căn hộ để ở.
Đối với các hộ dân ở tầng trên mà họ cũng gắn với cuộc sống ở đó thì chúng ta phải tạo điều kiện về công ăn việc làm cho họ hoặc cho họ thêm 1 ngôi nhà nữa để họ có thể cho thuê. Riêng đối với doanh nghiệp thì chính sách cần điều chỉnh lại việc không cho nâng tầng vì chỉ khi nâng tầng thì doanh nghiệp mới có được lợi nhuận thì họ mới dám đầu tư xây dựng ”. Ông Điệp chia sẻ thêm
Với việc bất đồng lợi ích của các bên liên quan thì cho dù có đưa ra bao nhiêu giải pháp đi nữa nhưng không giải quyết được những điều người dân mong muốn, lợi ích của doanh nghiệp khi quyết định đầu tư và chính sách nhà nước cần hợp lý để mật độ dân số không tăng quá cao ở khu vực đô thị. Thì vấn đề cải tạo chung cư cũ vẫn sẽ còn là một bài toán không có lời giải.
Người dân thì vẫn hàng ngày phải sinh sống trong những khu nhà mà sập lúc nào cũng không hay. Một câu hỏi được đặt ra là liệu rằng trong năm 2016 sẽ có bao nhiêu khu chung cư sẽ được cải tạo và xây lại hay sẽ lại tiếp tục với những giải pháp được đưa ra trên giấy.