MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc khuất thưởng tết của môi giới bất động sản

26-01-2016 - 16:55 PM | Bất động sản

Với tình hình đang khá sôi động của thị trường, 2015 được xem là năm “ăn nên làm ra” của nhân viên môi giới bất động sản. Tuy nhiên, niềm vui ấy không chia đều cho tất cả.

Tóm tắt

Năm 2015 khép lại với những kỷ lục của thị trường BĐS, những con số bán hàng đạt mức chưa từng có đã khiến nhiều người kỳ vọng một mùa thưởng tết bội thu. Tuy nhiên, xung quanh việc thưởng tết cũng có khá nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.


Đặc trưng nghề môi giới bất động sản có nhiều nét khác so với các ngành nghề khác. Nếu như phần lớn nhân viên văn phòng, có thu nhập cố định luôn trông chờ tới Tết để hy vọng được thưởng lớn thì đối với nhiều môi giới BĐS, câu chuyện thưởng tết lại không quá mặn mà.

Anh Trung, nhân viên môi giới một sàn BĐS tại Cầu Giấy cho biết: "Thông tin môi giới nhà đất được thưởng cả ô tô xịn, căn hộ tiền tỷ thực ra chỉ là chiêu các doanh nghiệp PR hình ảnh của mình. Thực chất rất ít ỏi có trường hợp hoàn thành chỉ tiêu để nhận thưởng tết lớn".

"Như ở sàn của tôi, mức thưởng tết đề ra là với nhân viên hoàn thành chỉ tiêu doanh thu sẽ được thưởng 1 tháng lương cơ bản, còn đối với người vượt doanh thu từ 150 - 200% sẽ có thể được 3 – 4 tháng lương. Tuy nhiên, khoản này nghe thì nhiều nhưng thực ra chẳng đáng là bao bởi lương cứng của môi giới rất thấp chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, thậm chí là không có lương cứng", anh Trung cho biết.

Cũng theo anh Trung, nghề này không phải lúc nào cũng là “buôn nước bọt ra tiền”, kiếm ăn dễ dàng. Có người ròng rã nhiều tháng không bán được một căn nhà, không chốt được một hợp đồng nhưng chỉ 1 tháng cuối năm tự dưng chốt được khách, bán liền lúc vài căn. Với tỷ lệ phần trăm hoa hồng trên mỗi hợp đồng hiện nay trung bình từ 2 – 3%, nếu bán được từ 2 – 3 căn thôi, dân môi giới đã có thể đút túi số tiền lên đến gần trăm triệu đồng. Thế là yên ấm cả năm, khỏi cần dài cổ ngóng thưởng tết".

Còn theo chị Kim Dung, một môi giới có 5 năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết: "Các dự án BĐS thường có tỷ lệ chia doanh số cho mỗi nhân viên, người được đăng ký theo từng sàn, block để bán. Tuy nhiên, các nhân viên có thâm niên, có doanh số tốt hoặc thân cận với sếp thường được đặt căn đẹp, vị trí tốt nên dễ bán. Còn những người mới vào nghề hoặc nhân viên bình thường sẽ bị giao những căn kẹp, diện tích nhỏ, thế xấu, dẫn đến khó bán.

"Thế mới có chuyện cuối năm, người thì được cả chục triệu tiền thưởng người thì còn chẳng đủ tiền xe về quê ăn tết vì không đủ chỉ tiêu. Nhiều người nghĩ ai làm môi giới BĐS thì kiếm được hàng chục, hàng trăm triệu đồng nhưng trong hàng nghìn nhân viên môi giới số lượng đó chiếm rất khiêm tốn, thậm chí nhiều người còn không có đủ tiền xe về ăn tết", chị Dung Than thở.

Đối với nhiều môi giới BĐS, dịp cuối năm không chỉ là thởi điểm phải “vắt chân lên cổ” để chạy đua bán hàng đạt chỉ tiêu để “săn” các khoản tiền thưởng Tết mà còn là nỗ lực làm việc nhằm tránh nguy cơ bị sa thải, đặc biệt là những nhân viên mới bước vào nghề đang đứng trước áp lực bị cắt giảm nhận sự vì không đạt chỉ tiêu yêu cầu.

Cũng theo anh Minh môi giới một sàn BĐS tại Hà Đông cho biết, đã thành quy luật cứ tầm khoảng cuối quý 3 hàng năm là các doanh nghiệp BĐS, sàn ồ ạt tuyển nhân sự. Yêu cầu quá cao về trình độ, chuyên môn không cao. Ai cũng có thể làm, học ngành gì cũng không phân biệt, số lượng tuyển một lúc rất lớn. Đến cuối năm, khi kết thúc mùa bán hàng nhiều doanh nghiệp lại ồ ạt sa thải nhân viên với lý do không hoàn thành chỉ tiêu hay cắt giảm nhân sự.

"Tiền lương thì ít trong khi chạy chi phí quảng cáo có khi hơn cả lương, nhiều tháng không có giao dịch thì nhân viên chỉ có nhịn đói, chạy vay mượn tiền bạn bè đủ nơi. Nhân viên không đủ doanh số bị sa thải đã đành, nhưng không ít người mặc dù đủ chỉ tiêu nhưng cũng không khỏi nỗi lo nơm nớp bị loại vào phút chót", anh Minh cho biết.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên