MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khuất tất ở dự án BOT Quốc lộ 51: Nhập nhằng chuyển vốn ở dự án 3.300 tỉ đồng

16-03-2016 - 17:00 PM | Bất động sản

Tuyến QL51 Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư lên tới 3.300 tỉ đồng và bắt đầu thu phí từ năm 2012. Tuy nhiên trong 4 năm qua, có nhiều khuất tất trong quá trình chuyển nhượng vốn. Trước thực trạng trên, ngày 14.3, Bộ GTVT quyết định thành lập đoàn kiểm tra những vấn đề gây bức xúc tại công trình lớn này.

Chuyển vốn chóng mặt

Từ ba nhà đầu tư (NĐT) ban đầu trong hợp đồng BOT QL51 ký năm 2009 gồm TCty Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam (IDICO), TCty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đến tháng 7.2015, có 2 NĐT “biến mất” là TCty Sông Đà và BIDV, thay vào đó là 2 NĐT mới là TCty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) và Cty CP xây dựng và thương mại tổng hợp Thái Ninh (Cty Thái Ninh). Trong đó, IDICO đang muốn thoái 100% vốn Nhà nước, còn DIC cũng chuyển nhượng cổ phần cho NĐT còn lại là Cty Thái Ninh.

Dự án BOT QL51 là dự án xây dựng mở rộng QL51 đoạn từ km0+900 đến km37+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư ghi trong hợp đồng BOT là hơn 3.300 tỉ đồng, mới được đưa vào sử dụng và thu phí trong vài năm gần đây, nhưng các NĐT đã chuyển nhượng liên tục cổ phần tại dự án.

Dù trong hợp đồng BOT cũng ghi rõ, các trường hợp chuyển nhượng khác phải được phép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT hoặc bên A. Tuy nhiên, theo báo cáo đến tháng 7.2015, các NĐT đã chuyển nhượng thay đổi NĐT và thực tế hiện nay là các NĐT gồm IDICO, Cty Thái Ninh và DIC.

Cũng theo báo cáo của IDICO, tính đến tháng 8.2015, vốn điều lệ mà 3 bên IDICO, Cty Thái Ninh, DIC mới chỉ dừng ở con số rất khiêm tốn là 104,05 tỉ đồng. Điều khó hiểu là tại sao sau 4 năm đi vào khai thác, thu phí, các bên chỉ mới góp 104,05 tỉ trên tổng số 1.750 tỉ đồng đăng ký ban đầu? Ngày 7.4.2015, nghị quyết của HĐQT của Cty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) yêu cầu các bên phải góp đủ 600 tỉ đồng (tương ứng 15% tổng vốn dự án) nhưng cho đến nay các bên chưa thực hiện.

Kêu khó và rút vốn

Mới đây, IDICO có báo cáo đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận cho IDICO thoái 100% vốn tại BVEC. Lý do được IDICO đưa ra là đơn vị đang tập trung nguồn vốn thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm khác. Đến ngày 19.2.2016, Bộ Xây dựng có công văn 282/BXD-QLDN do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký yêu cầu IDICO xây dựng phương án thoái vốn, xem xét ưu tiên mua cho Cty Thái Ninh.

Điều đáng nói, không chỉ IDICO đòi thoái vốn, mà NĐT khác là DIC cũng chuyển nhượng cổ phần và quyền góp vốn cho Cty Thái Ninh và có xác nhận của BVEC. Đến tháng 3.2016, DIC tiếp tục có văn bản thông báo tới Cty Thái Ninh và BVEC là hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 02/CNCP/DIC CORP-THAININH ngày 12.9.2014 giữa DIC và Thái Ninh được tiếp tục thực hiện. Như vậy nếu theo các hợp đồng chuyển nhượng này, Cty Thái Ninh (có địa chỉ số 95 Đặng Văn Ngữ - Đống Đa, Hà Nội) sẽ nắm nguồn vốn nhà nước tại IDICO và DIC trong dự án BOT QL51.

Bên cạnh đó, dự án BOT QL51 có thời hạn thu phí từ 2012 đến tháng 3.2033 (hơn 20 năm) dựa trên căn cứ là tổng mức đầu tư 3.313,13 tỉ đồng. Sau 4 năm thu phí, dự án bộc lộ những vấn đề khiến người dân bức xúc. Mới đây trong ngày 10.3, Tổ đại biểu Quốc hội tỉnh đơn vị số 1 có buổi tiếp xúc với cử tri 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tại đây, các đại biểu nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của cử tri liên quan đến dự án QL51.

Tại huyện Long Thành, cử tri phản ánh hệ thống mương thoát nước trên tuyến bị nghẽn, gây ô nhiễm môi trường, dải phân cách không được dỡ bỏ để lưu thông kết nối giữa QL51 và đường Phước Bình khiến người dân đi lại khó khăn. Ngoài ra, cử tri cũng cho biết, một số hộ dân vẫn chưa hài lòng về mức giá đền bù và yêu cầu được hỗ trợ tái định cư; việc giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự ở một số nơi còn chậm.

Theo Hà Anh Chiến

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên