MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phập phồng với nhà cổ

23-09-2015 - 10:01 AM | Bất động sản

Trong tích tắc, căn biệt thự cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đổ sập vùi lấp nhiều người và tài sản, trong đó 2 người tử vong

Khoảng 12 giờ 45 phút ngày 22-9, căn biệt thự cổ số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bất ngờ đổ sập gần như hoàn toàn.

“Như trời sập”

Một số nhân chứng tại hiện trường cho biết họ nghe tiếng động lớn như nổ bình gas. Khi nhiều người lao đến thì phát hiện căn biệt thự cổ mù mịt trong bụi. Đống gạch vữa đổ sập chắn ngang 2 con ngõ 2 bên căn biệt thự. Tiếng nạn nhân bị kẹt trong đống gạch đá kêu la khiến người dân hốt hoảng.

Theo một cán bộ của Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1, lúc 12 giờ 30 phút, khi anh đang làm việc tại căn biệt thự thì một nhân viên phát hiện cột trụ bị tróc vữa và sập xuống nên hô hoán mọi người tháo chạy. “Năm phút sau, khi chúng tôi ra khỏi nhà, toàn bộ mái đổ sập xuống” - người này chưa hết kinh hoàng.

Ngay sau khi nhận được tin báo, gần chục xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, cảnh sát cơ động được điều động đến hiện trường.

Được đưa ra khỏi đống đổ nát, nạn nhân Trần Thị Sửu (55 tuổi) vẫn chưa hết hoảng sợ, cho biết: “Tôi đang đứng trong nhà thì mái đổ xuống như trời sập. Ba mẹ con tôi bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Trước khi sập, căn biệt thự có hiện tượng rung lắc, chứ không phải do nổ bình gas như nhiều người nghĩ”.

Căn biệt thự trên được giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Xung quanh có 54 hộ dân sinh sống. Biệt thự cổ này xây dựng từ năm 1905, diện tích sử dụng 1.100 m2, có 2 tầng, xây bằng gạch, mái vòm cốt thép.

Trong đó, tầng 2 trước đây là hội trường, nay là phòng làm việc rộng 120 m2. Tầng 1 là nhà kho và phòng làm việc. Hai bên hội trường là cầu thang, hành lang, phòng vệ sinh rộng khoảng 100 m2. Giáp 2 bên căn biệt thự là lối đi liền kề với nhiều hộ dân sinh sống, buôn bán.

Ở gần bị vạ lây

Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết những người bị thương ở xung quanh căn biệt thự, chủ yếu là buôn bán gần đó.

Vụ sập đã làm 9 người thương vong. Đến 18 giờ cùng ngày, nạn nhân cuối cùng là Trần Thị Nga (SN 1979) đã được chuyển tới Bệnh viện (BV) Việt Đức cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ xác định người này đã tử vong. Trước đó, nạn nhân Lê Thị Hường (SN 1968), bán rau tại khu vực tầng 1 của căn biệt thự, cũng được xác định tử vong trước khi chuyển tới BV Việt Đức.

Theo bác sĩ Ninh Việt Khải, trực cấp cứu tại BV Việt Đức, nơi đây đang điều trị cho 4 nạn nhân của vụ sập nhà. Trong đó, 3 người bị chấn thương sọ não, vỡ xương chậu, gẫy xương cẳng chân và đã được phẫu thuật; nạn nhân Vũ Thị Thu Hằng (SN 1978) bị đa chấn thương, đang được tiếp tục theo dõi tại Khoa Cấp cứu.

Trước đó, nạn nhân Đào Thị Hiện (SN 1965) đã được chuyển đến BV Đa khoa Xanh Pôn. Các xét nghiệm sau đó khẳng định sức khỏe của bà Hiện ổn định nên đã được xuất viện. Bà Hiện là người bán cá ở dưới cầu thang căn biệt thự.

BV Bạch Mai tiếp nhận 2 nạn nhân là Nguyễn Thị Huyền (SN 1988) và Nguyễn Thị Tiêu (SN 1951). Trong đó, bà Tiêu bị chấn thương hàm mặt, gãy xương cẳng chân và bàn chân.

Phải có cảnh báo

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt, cho biết nguyên nhân sập là do mưa lớn, trong khi căn biệt thự đã qua nhiều năm sử dụng và xuống cấp nên giảm khả năng chịu lực. Hiện tượng nứt, nghiêng thì không có nhưng thấm dột đã xảy ra từ lâu. Hằng năm, căn biệt thự phải gia cố và lợp mái tôn để chống dột. “Căn biệt thự này thuộc diện TP bảo tồn nên không được thay đổi kết cấu. Chúng tôi có trách nhiệm quản lý và sử dụng nhưng không được phép chuyển đổi mục đích, cơi nới...” - ông Hoạch phân trần.

Tối cùng ngày, đại tá Nguyễn Văn Quyền - Trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hà Nội - cũng cho biết theo điều tra ban đầu, tòa nhà đã xuống cấp và thời tiết liên tục mưa những ngày qua khiến thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập.

Về việc nhà cổ xuống cấp nhưng vẫn tiếp tục sử dụng, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng trách nhiệm thuộc về chính quyền TP. “Tôi được biết với nhiều trường hợp, nhà thầu Pháp đã có thông báo cho Việt Nam về những tòa nhà hết thời hạn sử dụng. Vì vậy, TP phải điều tra để biết được những tòa nhà này đã đến hạn hay chưa. Nếu đã hết niên hạn thì phải cảnh báo, hướng dẫn người dân và tháo dỡ hoặc có biện pháp xây lại với những nhà có giá trị bảo tồn. Mặt khác, đối tượng sử dụng cũng phải có trách nhiệm báo cáo bởi TP có thể không quản lý hết được” – ông Liêm nói.

Bất an trong di tích

TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có hàng loạt ngôi nhà cổ, di tích kiến trúc nằm trong tình trạng nguy cấp như các nhà số 26, 97 Bạch Đằng; 7, 27, 77, 79, 177 Trần Phú; 26 Trần Quý Cáp... Người dân sống trong những di tích này luôn cảm thấy bất an, đi không được, ở cũng không xong.

Theo chị Diệp Ái Phương, chủ nhà số 177 Trần Phú, nhà này đã hơn 300 năm, làm hoàn toàn bằng gỗ, dài 30 m, rộng 6 m, hiện được trưng dụng làm nơi cho du khách tham quan, cũng là nơi 4 thế hệ trong gia đình sinh sống.

Trong gian nhà chính, hầu hết cột đã bị mối mọt gặm nhấm, phần máng xối được làm bằng gỗ đã bong tróc, nghiêng hẳn sang một bên. Gác trên của căn nhà trước đây được gia đình dùng để ở thì nhiều năm nay đành phải để trống vì hầu hết kèo cột đã bị mục ruỗng, không an toàn.

Để cầm cự, gia đình phải dùng thanh gỗ mới xen với thanh cũ để chống đỡ tạm bợ. Mái ngói rêu phong hàng trăm năm tuổi cũng đã vỡ nhiều nơi khiến nước thấm xuống sàn gỗ, chảy vào nhà mỗi khi mưa lớn. Những phần phụ như cửa sổ, thềm nhà cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều nhà cổ khác ở TP Hội An hiện cũng đang như “chuối chín cây”. Cuối năm 2013, ngôi nhà cổ ở số 48 Bạch Đằng đã bất ngờ sụp đổ và đè lên căn bên cạnh.

Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, TP hiện có 58 di tích cổ xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão năm nay, trong đó 38 di tích xuống cấp nặng.

Trung tâm đã hỗ trợ kinh phí chống đỡ 3 di tích, chủ sở hữu tự chống đỡ 43 di tích, còn lại đề nghị dỡ bỏ do không còn khả năng chống đỡ để bảo đảm tính mạng và tài sản cho người dân.Tr.Thường

PV

Theo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên