Vấn đề giá bất động sản tại những khu vực
đang xem xét quy hoạch ở Hà Nội bị “thổi” lên cao không chỉ thu hút sự
chú ý của dư luận, mà còn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo
luận tại tổ về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Có thể nhận thấy “cơn sốt” giá đất được đẩy lên theo tiến độ của từng đợt lấy ý kiến
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, đầu năm 2010,
khi hai vấn đề lớn được đề xuất đưa vào Đồ án là Trung tâm Hành chính
Quốc gia đặt tại Ba Vì và trục tâm linh Thăng Long kéo dài từ đường
Hoàng Quốc Việt lên chân núi Ba Vì, giá đất phía Tây Hà Nội “sôi ùng
ục”.
Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội cũng cho thấy, nếu
cuối năm 2009, giá đất tại Ba Vì chỉ vào khoảng 50-70 triệu đồng/sào,
thì đến tháng 4/2010 đã lên đến gần 200 triệu đồng/sào. Tương tự, dọc
đường Láng - Hoà Lạc, tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, đất thổ cư bám
mặt đường tăng gấp đôi, từ 5-7 triệu đồng/m2 vào cuối năm trước lên
8-12 triệu đồng/m2 thời điểm đầu năm nay; đất trồng cây lâu năm từ
250-300 triệu đồng/sào lên 400-800 triệu đồng/sào.
Ngoài ra, “ăn theo” quy hoạch còn có các loại đất dãn
dân, đất thổ cư dọc các tuyến tỉnh lộ, liên huyện, liên xã, đất trồng
cây lâu năm, đất rừng sản xuất, trong đó có xen đất thổ cư được Nhà nước
giao 50 năm tại các khu vực thuộc địa bàn Hà Tây (cũ), các huyên thuộc
Vĩnh Phúc, Hoà Bình được sáp nhập vào Hà Nội, với lượng giao dịch tăng
nhanh bất thường từ đầu năm 2010.
Tại những khu vực nằm trong vành đai 4 như quận Hà Đông,
đường Lê Trọng Tấn kéo dài, khu vực An Khánh, tháng 5/2010, giá đất nền
đã tăng tới 40% so với thời điểm cuối năm 2009, hiện được chào bán trên
thị trường tự do là 40-60 triệu đồng/m2. Thậm chí, đất nền Dự án Văn
Khê, Mỗ Lao còn được chào bán với giá 60-70 triệu đồng/m2.
Những thông tin trên đã lôi cuốn sự quan tâm của nhiều
vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ về Đồ án Quy hoạch chung xây
dựng Thủ đô Hà Nội vào cuối tuần qua. Tại tổ đại biểu Quốc hội Hà Nội,
các đại biểu cho rằng, việc thiếu thông tin về Đồ án Quy hoạch chung xây
dựng Thủ đô đã “góp phần” làm loạn giá đất. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc
Đào và Phạm Thị Loan, cơn sốt đất ở Ba Vì và các khu vực quanh trục
Thăng Long là ví dụ cụ thể của sự thiếu minh bạch trong quy hoạch.
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng,
giá đất tại những vùng được quy hoạch biến động nhanh là do cung và cầu
chênh nhau quá lớn. “Qua kiểm tra, phần lớn giao dịch đất đai ở những
vùng quy hoạch là giao dịch đầu cơ tích trữ. Thậm chí, có hiện tượng tạo
ra các giao dịch giả, để mồi và kích giá đất lên”, ông Thảo nói.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường cũng từng khẳng định, cơn sốt giá đất tại Hà Nội bắt nguồn từ
việc quy hoạch lại Hà Nội. Quy hoạch này hướng tới một số khu vực được
định hướng sẽ phát triển trong tương lai. Vì vậy, dựa theo những ý tưởng
này, người dân và các nhà đầu tư đua nhau đổ tiền vào thị trường, nhằm
tìm kiếmlợi ích trong tương lai.
“Có người còn tính toán rằng, trong trường hợp xấu nhất
là đất bị Nhà nước thu hồi, thì giá đền bù vẫn cao hơn so với giá đất
thời điểm họ mua. Và rồi họ tràn về các vùng ngoại ô mua đất nông nghiệp
để dự trữ, khiến thị trường phát triển không lành mạnh và ổn định”, ông
Võ nói.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng sốt đất bắt nguồn từ
việc giới đầu cơ bất động sản sử dụng “đòn bẩy” tung tin giả ra thị
trường, kích cho dòng người đi tìm kiếm lợi ích tương lai ngày càng lớn
hơn. Trên thực tế, trục Thăng Long và Trung tâm Hành chính Quốc gia đặt ở
Ba Vì mới chỉ là đề xuất, chưa được Quốc hội xem xét thông qua.
Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, hiện người đi mua nhà
đất có nhu cầu thực sự rất ít, nên chưa phản ánh đúng thực chất của thị
trường. Nhiều khu nhà xây xong để đấy, không có người ở, nhưng giá lại
quá cao. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để kiểm soát giá
nhà đất, lành mạnh hoá thị trường.
Theo Hữu Tuấn
Báo Đầu tư