TPHCM những dự án không có ngày hoàn thành
Thị trường bất động sản Tp. HCM đang được đánh giá đã có sự khởi sắc, song vẫn còn không ít dự án bị “trùm mền” trong lòng trung tâm thành phố do chủ đầu tư chưa tìm được đường ra.
- 16-01-2015Hà Nội: Điểm mặt dự án nhà ở "trùm mền" thách thức người mua
- 09-09-201351% đất dự án khu dân cư tại Bình Thuận “trùm mền”
- 20-06-2013Mạnh tay với dự án “trùm mền”
Tóm tắt
- Tại Tp. HCM, từ quận 1 đến các quận lân cận như Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, quận 7, Nhà Bè, đi đâu cũng bắt gặp những dự án căn hộ trong tình trạng “trùm mền”. Theo tìm hiểu, nhiều ý kiến từ các chuyên gia phân tích cho rằng đây là hệ lụy rõ nét nhất của cuộc khủng hoảng lan tràn trên thị trường BĐS suốt nhiều năm qua.
- Một số chủ đầu tư trong các dự án dang dở trên cũng đang rất kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường BĐS hiện nay, trong đó họ đã ráo riết tìm kiếm đối tác nước ngoài để mong huy động nguồn vốn đầu tư hoặc bán lại dự án.
Tại Tp. HCM, từ quận 1 đến các quận lân cận như Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, quận 7, Nhà Bè, đi đâu cũng bắt gặp những dự án căn hộ trong tình trạng “trùm mền”. Theo tìm hiểu, nhiều ý kiến từ các chuyên gia phân tích cho rằng đây là hệ lụy rõ nét nhất của cuộc khủng hoảng lan tràn trên thị trường BĐS suốt nhiều năm qua.
Như ở giữa trung tâm quận 1 thành phố, ngay bên cạnh tòa cao ốc 68 tầng Bitexco Financial Tower là một khối bê tông đen xì cao 41 tầng “án ngữ” nhiều năm qua. Đó là dự án cao ốc Saigon One do công ty CP M&C làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công từ năm 2007, tòa nhà bao gồm một khối bệ làm trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, một khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế cao 34 tầng và khối căn hộ gồm 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện nghi khác. Tổng vốn đầu tư theo công bố ban đầu là khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, quay trở lại đây, hiện nay chủ đầu tư đã dùng một phần diện tích khá lớn đã xây dựng xong để cho thuê kinh doanh café, giải trí…
Xa hơn về phía quận 2, đây đang được mệnh danh là “hòn ngọc phía Đông” của thành phố, vẫn tồn tại hàng loạt dự án xây xong phần thô rồi bỏ hoang. Đơn cử như những tòa tháp căn hộ PetroVietnam Landmark Tower đang vắng tanh vắng bóng do chủ đầu tư là công ty CP BĐS xây lắp dầu khí Việt Nam – không còn khả năng tài chính để tiếp tục thi công dự án.
Thê thảm không kém là tình trạng hoang vắng tại khu biệt thự Hà Đô (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2). Dự án gồm 115 căn có diện tích 200-270m2, do Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư, đến nay chỉ khoảng 30 căn có người ở, còn lại là nhà xây thô bỏ hoang từ nhiều năm với hàng trăm căn biệt thự (giá 5-7 tỷ đồng/căn) xuống cấp trầm trọng.
Ngay tại trung tâm quận 7, nơi thị trường BĐS sôi động nhất, dự án Kenton Residences đồ sộ đang nằm trơ trọi và đang xuống cấp từng ngày. Kể từ khi khởi công từ giữa năm 2009, với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, dự án hoàn thành một số block, một số khác đang xây dựng dở dang đã phải ngưng triển khai gần 3 năm nay.
Nằm ngay “cửa ngõ” ra vào thành phố, dự án cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp DB Tower toạ lạc tại số 141 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh đang trong tình trạng không có ngày hoàn thành. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2010 đến giữa năm 2012 đã đổ xong phần sàn thô và đang dừng thi công.
Bên cạnh công trình DB Tower còn có dự án tòa nhà văn phòng V-Ikon cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Dự án nằm trên hai mặt tiền đường là Điện Biên Phủ và Phan Chu Trinh nối dài. Dự án được thiết kế độc đáo với hình tượng chữ V cao 125,8m, tượng trưng cho tên của chủ đầu tư là Việt Thuận Thành. Hiện nay, dự án này đang bị “đắp chiếu” vì không còn khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện.
Một số chủ đầu tư trong các dự án dang dở trên cũng đang rất kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường BĐS hiện nay, trong đó họ đã ráo riết tìm kiếm đối tác nước ngoài để mong huy động nguồn vốn đầu tư hoặc bán lại dự án. Tuy nhiên, một chủ đầu tư cho biết khi nhìn vào dự án “chết” đã lâu năm, hồ sơ pháp lý để chuyển đổi dự án quá rườm rà và mất nhiều thời gian, do vậy các đối tác nước ngoài không muốn chịu thêm những rủi ro khi thực hiện các công đoạn này.
Về phía các ngân hàng thương mại, những dự án thuộc loại này đều bị liệt vào “danh sách đen” nên cực khó thuyết phục ngân hàng cho vay thêm vốn hoặc đảo nợ. Một cán bộ của ngân hàng BIDV chi nhánh Tp.HCM "bật mí" rằng chỉ tính riêng tiền lãi thế chấp ngân hàng của dự án Kenton Residences nay đã vượt quá tổng vốn đầu tư của toàn dự án. Do vậy, để "chuyển giao" dự án này về BIDV còn quá nhiều thủ tục phải thực hiện.
Về phía cơ quan quản lý, Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết toàn bộ những dự án trên đều nằm trong danh sách những dự án chậm triển khai phải thu hồi. Tuy nhiên, do khó khăn từ nhiều phía nên thành phố rất tạo điều kiện để các chủ đầu tư tìm kiếm nguồn vốn và xin gia hạn trong một thời gian nhất định để triển khai lại.
Theo đó, để giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều bằng những quy định “cứng rắn” như thu hồi dự án, thay chủ đầu tư… mà cần có giải phải hỗ trợ nhà đầu tư thoát cảnh “chết lâm sàn”.
Cận cảnh những dự án "chết"
Khối tài sản khổng lồ đang xuống cấp của công ty Tài Nguyên.
Dự án Saigon One đang được chủ đầu tư trưng dụng phần mặt tiền đường đã xây xong hạ tầng, cho thuê làm địa điểm kinh doanh và giải trí.
Dự án cao ốc văn phòng "song đôi" là DB Tower và V-Ikon "án ngữ" ngay đường ra vào thành phố khá tấp nập.
Dự án hoành tráng ngày nào giờ thành địa điểm phức tạp