MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất lực bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn

31-10-2018 - 08:03 AM | Thị trường

Tình trạng tỏi nhái, tỏi kém chất lượng xuất hiện tràn lan khiến thương hiệu tỏi Lý Sơn bị ảnh hưởng nặng.

Mấy hôm nay, hàng ngàn người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi như ngồi trên lửa vì giá tỏi Lý Sơn liên tục sụt giảm. Việc giá cả của một đặc sản được ví như "vàng trắng" của huyện đảo này lao dốc là bất thường, chưa có tiền lệ.

Tỏi tràn ngược ra huyện đảo và giả hiệu Lý Sơn

Dẫn chúng tôi vào kho chứa gần 10 tấn tỏi Lý Sơn, bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân trên đảo, cho biết cuối mùa vụ tỏi (khoảng cuối tháng 8), giá tỏi còn khoảng 70.000 đồng/kg. So với nhiều năm trước, giá này là rất thấp nên gia đình bà quyết định giữ toàn bộ tỏi làm được, mua thêm ít tấn nữa dự trữ đợi giá lên sẽ bán. Không ngờ càng giữ, giá tỏi càng sụt giảm, bây giờ cao nhất chỉ còn 35.000-40.000 đồng/kg. "Tỏi để lâu sẽ mọc mộng, hư hỏng nên buộc tôi phải bán bớt, chấp nhận lỗ. Từ trước tới giờ, chưa năm nào giá tỏi lại rớt như thế này. Với vốn liếng, công sức chúng tôi bỏ ra, giá tỏi như thế chắc chắn lỗ nặng" - bà Thanh nói.

Bất lực bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn - Ảnh 1.

Giá tỏi Lý Sơn sụt giảm khiến người trồng thiệt thòi

Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, tổng sản lượng vụ tỏi đông xuân 2017-2018 ước trên 2.000 tấn tỏi khô. Hiện huyện Lý Sơn tồn đọng khoảng gần 300 tấn tỏi khô. Do đó, UBND huyện đang kêu gọi các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ người trồng bán tỏi với giá 60.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Cảnh, một thương lái thu mua tỏi Lý Sơn, cho biết giá tỏi giảm từ cách đây 2 tháng. "Những năm trước, du khách đến Lý Sơn thường mua tỏi đem về làm quà nhưng xu hướng này ngày càng giảm. Nguyên nhân là do tỏi giả, tỏi kém chất lượng từ các nơi trà trộn vào "vương quốc" tỏi khiến du khách mất lòng tin" - ông Cảnh nhận định.

Ông Cảnh đưa chúng tôi xem 2 bao tỏi, trong đó có tỏi Lý Sơn và tỏi có nguồn gốc từ nơi khác đưa đến nhưng hình thức rất giống nhau. Ông cho rằng đây là nguyên nhân khiến giá tỏi Lý Sơn lao dốc. "Hằng ngày, tỏi từ các nơi khác trong đất liền cứ vô tư được mang ngược ra đảo, trà trộn vào tỏi Lý Sơn, giả tỏi Lý Sơn để bán ra cho du khách. Thậm chí, chở ngược vào đất liền bán với giá tương tự, trong khi chất lượng thì khác xa nhau. Như vậy sao không ảnh hưởng, làm mất giá cho được" - ông Cảnh bức xúc.

Hướng đến phát triển bền vững

Ông Nguyễn Văn Công, một trong những người gắn bó nhiều năm với tỏi Lý Sơn, nhìn nhận những năm trước, giá tỏi Lý Sơn có thời điểm chạm mốc 150.000 đồng/kg, thấp nhất cũng 60.000-70.000 đồng/kg. Nhưng năm nay thì rớt tới mức đáng báo động. "Việc này chứng tỏ sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng khi thương hiệu tỏi Lý Sơn liên tục bị xâm hại. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chắc chắn giá tỏi Lý Sơn sẽ còn giảm nữa, người trồng tỏi có lẽ phải bỏ nghề dần" - ông Công lo lắng.

Cũng theo nông dân này, việc cấp bách hiện nay là làm sao bảo vệ được thương hiệu tỏi Lý Sơn, ngăn chặn được tỏi kém chất lượng tràn ra đảo, nhái thương hiệu tỏi Lý Sơn. "Còn việc kêu gọi tổ chức này, đơn vị kia giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời. Một thương hiệu bền vững không trông chờ vào giải cứu" - ông Công phân tích.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và Chế biến hành tỏi Lý Sơn, cũng thừa nhận tỏi Lý Sơn đang mất dần thương hiệu. Ông Định đề nghị phải xây dựng chỉ dẫn địa lý, in bao bì, nhãn mác, tem chống giả cho tỏi Lý Sơn. Nên xem giải cứu, xử phạt là những giải pháp tạm bợ.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho rằng giá tỏi Lý Sơn giảm mạnh, thương hiệu tỏi Lý Sơn bị tổn hại là rất đáng lo nhưng để giải quyết triệt để tình trạng này không phải dễ dàng. "Về nguyên tắc, việc chở tỏi ở nơi khác về Lý Sơn là chuyện bình thường, mình không thể cấm lưu thông hàng hóa. UBND huyện chỉ có thể xử phạt nếu bắt quả tang hành vi trộn tỏi từ các nơi khác vào tỏi Lý Sơn, giả thương hiệu tỏi Lý Sơn bán ra thị trường. Nhưng việc này cũng rất khó. Lâu nay, huyện chỉ tập trung tuyên truyền là chính, đồng thời vận động người dân chung tay bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn" - bà Hương nói.

Theo Tử Trực

Người lao động

Trở lên trên