MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ rau do đứt chuỗi liên kết; dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì Covid-19

08-04-2020 - 17:37 PM | Thị trường

Lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan Covid-19 khiến chuỗi cung ứng lương thực bị đứt đoạn do thiếu lao động, phương tiện vận chuyển…người nông dân không kịp trở tay, họ buộc phải đổ bỏ sữa, đem nông sản cao cấp như dâu tây, nho, bông cải đổ bỏ hoặc làm thức ăn gia súc...

Tại Mỹ, việc đóng cửa hàng loạt các nhà hàng và trường học đã buộc nông dân chăn nuôi bò sữa phải chuyển đột ngột từ thị trường bán buôn sang các cửa hàng tạp hóa bán lẻ, tạo ra cơn ác mộng về hậu cần và đóng gói cho các nhà máy chế biến sữa, bơ và phô mai. Các công ty vận tải chuyên chở sản phẩm sữa đang tranh giành để có đủ tài xế do một số người đã ngừng làm việc vì e ngại dịch Covid-19. Doanh số từ các thị trường xuất khẩu sữa lớn cạn kiệt khi lĩnh vực dịch vụ thực phẩm phần lớn đóng cửa trên toàn cầu.

Việc kinh doanh sữa bị ảnh hưởng nặng nề và sớm hơn so với các mặt hàng nông sản khác vì các sản phẩm này khó bảo quản - sữa không thể đông lạnh như thịt, hoặc trữ trong nhà kho như ngũ cốc.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ rau do đứt chuỗi liên kết; dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì Covid-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Reuters

Một người nông dân nuôi bò tên Jason Leedle cho biết, anh ta đã phải đổ 4.700 gallon (gần 18 nghìn lít) sữa từ 480 con bò của mình mỗi ngày kể từ hôm 31/3. 7.500 thành viên DFA nói với Reuters rằng họ đã yêu cầu một số nông dân khác trong hợp tác xã làm điều tương tự nhưng không cho biết con số cụ thể.

Hợp tác xã sữa giám sát thị trường cho tất cả các thành viên và xử lý khâu vận chuyển. Leedle nói rằng anh ta sẽ được trợ cấp cho lượng sữa mà anh ta và những người nông dân khác phải bỏ, nhưng các khoản thanh toán cho các thành viên hợp tác xã sẽ bị ảnh hưởng từ nguồn thu sụt giảm.

Bên cạnh đó, khi hàng trăm triệu người dân Ấn Độ thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, họ đã phải cho gia súc ăn dâu tây, bông cải xanh do không thể vận chuyển và buôn bán ở các thành phố trong thời gian 3 tuần phong tỏa. Nhu cầu đối với nông sản cao cấp thường tăng vọt vào mùa hè nhưng với chuỗi cung ứng nông sản đã bị xáo trộn và người nông dân không thể đưa hàng hóa ra thị trường.

Anh Anil Salunkhe chia sẻ với Reuters trong khi đổ dâu tây cho bò ăn rằng "du khách và những nhà máy làm kem là khách hàng mua dâu tây chính nhưng hiện chúng tôi không còn du khách".

Trước đó anh hi vọng đạt doanh thu 800.000 rupee (khoảng 10.600 USD), nhưng nay anh thậm chí còn không nghĩ đến khả năng lấy lại chi phí đã đầu tư khoảng 250.000 rupee do không thể vận chuyển nông sản đến các thành phố lớn để bán.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ rau do đứt chuỗi liên kết; dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì Covid-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Reuters

Ông Munishamappa, một nông dân ở gần Bengaluru, trung tâm công nghệ thông tin của Ấn Độ đã phải chở 15 tấn nho vào rừng để bỏ do không bán được trong khi đó ông đã chi 500.000 rupee cho mùa vụ này. Thậm chí ông còn mời dân làng gần đó đến lấy trái cây miễn phí nhưng rất ít người xuất hiện.

Trong khi đó, những người trồng hoa đắt tiền như hoa đồng tiền, hoa lay ơn và hoa thiên điểu… cũng rất lo lắng do nhiều sự kiện, đám cưới vốn là những sự kiện cần nhiều hoa tươi nay phần lớn nhu cầu đã bị hủy bỏ kéo theo các đơn hàng lớn "bốc hơi".

Rahul Pawar, người sở hữu một trang trại hoa rộng 2ha cho biết: "Trong mùa hè, tôi bán 1 bông hoa giá từ 15-20 rupee, bây giờ thì bán 1 rupee cũng không có người mua. Nông dân trồng hoa phải cắt hoa làm phân bón".

Tại Việt Nam. dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến người dân hạn chế ra ngoài và chi tiêu khiến giá dừa liên tục sụt giảm hơn 30% so với cùng kì năm ngoái trong khi đó giá dứa loại 2 giảm còn 3.000 đồng/trái, nhiều nông dân ở Đà Lạt ngậm ngùi đổ bỏ rau do đứt chuỗi liên kết.

Theo báo VOV, trái dừa Xiêm (dừa tươi) tại vùng ĐBSCL phục vụ giải khát trong mùa khô hạn thường hút hàng, đắt giá nhưng nay lại rớt giá thê thảm. Tại 2 địa phương có diện tích dừa Xiêm lớn nhất vùng ĐBSCL là Tiền Giang, Bến Tre, các nhà vườn bán dừa Xiêm xanh tại vườn chỉ ở mức giá 50.000 đồng/chục (12 quả), dừa Xiêm đỏ (giống Malaysia) khoảng 45.000 đồng/chục. So với cùng kỳ năm ngoái, giá dừa Xiêm giảm trên 30%.

Đồng thời, theo người trồng dứa ở tỉnh Hậu Giang, nửa tháng trước, giá dứa loại 1 được bán tại rẫy còn ở mức 5.000 đồng/trái, sụt giảm phân nửa so với trước và trong Tết thì hiện tại chỉ còn khoảng 3.000 đồng/trái. Trong khi dứa loại 2 chỉ còn 1.500 đồng/trái và loại 3 chỉ còn khoảng 700 đồng/trái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ cũng như vận chuyển dứa gặp nhiều khó khăn, từ đó thương lái ít thu mua khiến giá dứa sụt giảm sâu.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ rau do đứt chuỗi liên kết; dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì Covid-19 - Ảnh 3.

Điểm giải cứu rau trên đường Hoàng Diệu, Đà Lạt. (Nguồn: Tiền Phong)

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, rau xanh của nhiều nông hộ ở TP.Đà lạt bị tắc đầu ra, phải đổ bỏ khi nhà hàng đồng loạt đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện chuỗi nhà hàng mà Công ty Đồng Xanh (TP.Đà Lạt) ký hợp đồng cung cấp rau đã ngừng kinh doanh để phòng dịch COVID-19, do đó rau xanh của 27 nông hộ trực thuộc công ty bị tắc đầu ra. Công ty Đồng xanh đã đổ bỏ gần 50 tấn củ cải giống nhập từ Hàn Quốc vì không tiêu thụ được; đồng thời phải thương lượng đền bù hợp đồng cho các nông hộ hơn 100 triệu đồng. Nhiều nông hộ tặng rau xanh cho nhiều nhà chùa, dòng tu, cơ sở bảo trợ xã hội… nhưng vẫn còn thừa rất nhiều, phải đổ bỏ vì sản lượng rau mà họ sản xuất quá lớn.

Tại làng hoa Tây Tựu (Hà Nội), giá hoa hồng cũng đồng loạt giảm sâu chưa từng có do vắng người mua. Anh Nghĩa (Tây Tựu, Hà Nội) chia sẻ, giá hoa hiện tại đã giảm hơn 60% nhưng vẫn không có ai mua. "Hoa hồng trước kia bán buôn được 50.000 đồng/50 bông thì giờ 10.000 đồng/50 bông cũng không bán được, mỗi bông cúc bán buôn cũng được 3.000 đồng giờ hạ xuống 1.000 đồng/bông cũng khó bán".

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ rau do đứt chuỗi liên kết; dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì Covid-19 - Ảnh 4.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên