Bầu cử Mỹ: "Át chủ bài" trong cuộc tranh luận đầu tiên Trump - Biden
Trong cuộc tranh luận đầu tiên, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch dồn lực tấn công vào sự nghiệp chính trị của ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden với cáo buộc giúp gia đình hưởng lợi
- 28-09-2020Phố Wall bừng tỉnh, lo sợ trước sự khó đoán của cuộc bầu cử Tổng thống 2020
- 22-09-2020Cựu quan chức Nhà Trắng: Các nhà đầu tư nên sẵn sàng cho một mùa bầu cử sóng gió
- 18-09-2020Vấn đề kinh tế không còn là trọng tâm của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020
Vấn đề ứng phó dịch Covid-19 của Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng phủ bóng cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden vào tối 29-9 (giờ địa phương, tức sáng 30-9 theo giờ Việt Nam) tại TP Cleveland, bang Ohio.
Cuộc tranh luận kéo dài khoảng 90 phút, dự kiến xoay quanh các chủ đề nóng gần đây như người kế nhiệm cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg và tiết lộ gây sốc về hồ sơ thuế của ông Trump, bên cạnh các vấn đề khác như hồ sơ của hai ứng viên tổng thống, nền kinh tế, chủng tộc và bạo lực ở các thành phố Mỹ cùng với sự toàn vẹn của cuộc bầu cử.
Chuyên gia dự đoán ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tập trung công kích vấn đề đóng thuế của Tổng thống Donald Trump. Tờ The New York Times hôm 27-9 đưa tin trong năm 2016 và 2017, ông Trump chỉ đóng 750 USD tiền thuế thu nhập cá nhân. Theo tờ báo này, ông Trump là tổng thống duy nhất không công khai việc nộp thuế cá nhân và chưa đóng thuế thu nhập suốt 10 năm trong 15 năm qua.
Phản ứng ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump bác bỏ thông tin này và khẳng định ông có nộp thuế. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Biden lập tức đăng video lên mạng Twitter liệt kê các khoản thuế thu nhập mà các lao động bình thường ở Mỹ đóng góp mỗi năm, nhằm làm nổi bật sự chênh lệch trong việc đóng thuế giữa họ với Tổng thống Donald Trump.
Cả thế giới đang hướng về cuộc tranh luận đầu tiên giữa ứng viên Joe Biden (trái) và Tổng thống Donald Trump từ 8 giờ ngày 30-9 Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AP, Tổng thống Donald Trump nói với các cố vấn rằng ông đã chuẩn bị "tấn công toàn lực" vào cựu Phó Tổng thống Biden về việc 47 năm từng là thượng nghị sĩ đã giúp gia đình ông Biden "bất khả xâm phạm". Cụ thể, con trai ông Biden, Hunter Biden, bị cáo buộc có liên hệ lợi ích với công ty khí đốt Ukraine vào thời điểm ông Biden giữ chức phó tổng thống Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
"Bất ngờ tháng 10"
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), những sự việc tương tự tiết lộ về hồ sơ thuế của ông Trump được giới chính trị Mỹ gọi là "bất ngờ tháng 10", ám chỉ các sự kiện xảy ra trong tháng này có tác động rất lớn đối với kết quả bầu cử vào đầu tháng 11.
Ông James Carafano, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Douglas và Sarah Allison, nhận định "bất ngờ tháng 10" có khả năng tạo ra khác biệt quan trọng ở các bang chiến trường, nơi có thể định đoạt kết quả bầu cử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành tại nước Mỹ, khả năng chính quyền ông Trump đưa ra một công bố quan trọng về vắc-xin cũng có thể là một "bất ngờ tháng 10" có lợi cho ông.
Tuy nhiên, một "bất ngờ tháng 10" được cho là mang lại lợi thế cho ứng viên Đảng Dân chủ Biden là khả năng ông Trump thua trong cuộc chiến pháp lý dai dẳng về hồ sơ thuế thu nhập của mình.
Lịch sử bầu cử Mỹ cho thấy lượng cử tri trung lập chưa quyết định bỏ phiếu cho ai có thể là nhân tố xoay chuyển cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng. Vào ngày 28-10-2016, ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thời điểm đó, thông báo nối lại các cuộc điều tra đối với cựu ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Vụ việc diễn ra chỉ 11 ngày trước khi cử tri Mỹ bỏ phiếu được cho là mang lại lợi thế giúp ông Trump đắc cử tổng thống.
Theo tính toán của FiveThirtyEight, trang web chuyên phân tích các dữ liệu thăm dò, tin tức về vụ điều tra nói trên đã làm đảo chiều ít nhất 1% tỉ lệ ủng hộ của cử tri tại các bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Khó đoán đến phút cuối
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 28-9 kêu gọi các nghị sĩ Đảng Dân chủ chuẩn bị cho kịch bản bầu cử "trăm năm có một" trong trường hợp cả Tổng thống Donald Trump lẫn ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden không giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết trên tổng số 538 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử ngày 3-11.
Theo Hiến pháp Mỹ, nếu kịch bản này xảy ra, hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu để quyết định kết quả bầu cử. Đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát hạ viện với 232 ghế so với 198 ghế của Đảng Cộng hòa nhưng phe Cộng hòa nắm giữ 26 phiếu cử tri đoàn bang, nhiều hơn so với phe Dân chủ là 22. Bà Pelosi kêu gọi các nghị sĩ Dân chủ nỗ lực để giành thêm ghế trong hạ viện để tăng cường vị thế đa số cũng như kiểm soát nhiều cử tri đoàn đại diện cho bang tại hạ viện hơn. Theo hãng tin Reuters, đây là kịch bản chưa từng xảy ra kể từ năm 1876.
Vài giờ trước khi cuộc tranh luận diễn ra, tờ People’s Daily (Trung Quốc) cảnh báo các ứng viên tổng thống Mỹ không nên sử dụng "vấn đề về mối đe dọa Trung Quốc" để tạo kịch tính.
Người lao động