MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu cử Mỹ tăng nhiệt

24-08-2024 - 08:36 AM | Tài chính quốc tế

Sự khác biệt quan điểm quá rõ rệt giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump hứa hẹn một cuộc cạnh tranh gay gắt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Trong đêm cuối (22-8) của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài phát biểu được đánh giá là mạnh mẽ sau khi bà tiếp nhận đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng này, chính thức bước vào cuộc đấu 11 tuần căng thẳng với đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa.

Bà Harris đã vạch ra kế hoạch kinh tế lấy tầng lớp trung lưu Mỹ làm trọng tâm, đồng thời phác họa các sách lược đối ngoại đối với các điểm nóng xung đột ở Ukraine, Dải Gaza… Kế hoạch kinh tế của bà Harris tập trung vào việc kéo giảm chi phí sinh hoạt, tăng cơ hội kinh tế cho tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp hơn ở Mỹ. Với cam kết trở thành một "tổng thống thực tế và thực dụng cho tất cả người dân Mỹ", bà Harris, 59 tuổi, tuyên bố ý định cắt giảm thuế cho giới trung lưu nếu thắng cử, qua đó "đem lại lợi ích cho hơn 100 triệu dân Mỹ".

Theo Bloomberg, bà Harris dự định giữ lại các mức thuế được quy định trong Luật Giảm thuế và việc làm (TCJA) năm 2017 của cựu Tổng thống Donald Trump đối với những ai có thu nhập dưới 400.000 USD/năm trong khi tăng thuế đối với những người có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, theo Reuters, trái ngược với kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump, ê-kíp của bà Harris tiết lộ ý định tăng thuế này từ mức 21% hiện nay lên 28%, mục đích là tăng thu ngân sách.

Bloomberg dẫn một nghiên cứu của Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm ước tính các đề xuất chính sách của bà Harris trong 100 ngày đầu nắm quyền (nếu đắc cử) có thể làm tăng thâm hụt thêm 1,7 ngàn tỉ USD trong vòng 1 thập kỷ. Tuy nhiên, TS Kimberly Clausing, chuyên gia về thuế của Trường Luật Los Angeles (thuộc Đại học California), chỉ ra việc tăng thuế với người giàu có thể bù đắp phần nào.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và phu quân, ông Doug Emhoff, trên sân khấu của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ tối 22-8. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và phu quân, ông Doug Emhoff, trên sân khấu của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ tối 22-8. Ảnh: REUTERS

Đứng giữa nhà thi đấu United Center với 23.500 ghế ngồi chật kín người ở TP Chicago, bang Illinois, bà Harris còn nói về các kế hoạch đấu tranh cho quyền phá thai, tăng nguồn cung nhà ở, áp đặt giá trần với thuốc kê đơn và cấm điều mà bà gọi là "chặt chém giá". Cụ thể, bà kêu gọi ban hành một đạo luật liên bang với các mức phạt đối với công ty nào vi phạm quy định về tăng giá quá mức.

Chỉ mới bước vào chiến dịch tranh cử hơn 1 tháng - từ khi Tổng thống Joe Biden rời đường đua - bà Kamala Harris đã thể hiện rõ hàng loạt điều tương phản với đối thủ Donald Trump trong bài phát biểu của mình. Bà chỉ trích các rắc rối pháp lý của cựu tổng thống trước khi nhấn mạnh: "Ông Donald Trump là người thiếu nghiêm túc. Việc đưa ông ấy trở lại Nhà Trắng là cực kỳ nghiêm trọng".

Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng phản ứng bằng một chuỗi bài đăng trên mạng xã hội Truth Social. "Bà ta là hiện thân của sự kém cỏi và yếu kém. Đất nước của chúng ta đang bị cười nhạo trên khắp thế giới!" - một bài đăng viết.

Trước đó, bà Harris cũng liên tục bị cựu tổng thống Donald Trump công kích cá nhân, cho rằng bà yếu thế trên trường quốc tế. Đáp lại, trong bài phát biểu lần này, phó tổng thống Mỹ khẳng định quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng.

Với xung đột Trung Đông, bà Harris kêu gọi thỏa thuận ngay một lệnh ngừng bắn và thả con tin đang bị giam ở Gaza. Song song đó, bà cam kết ủng hộ quyền tự vệ của Israel lẫn quyền tự quyết của người dân Palestine. "Những gì xảy ra ở Gaza hơn 10 tháng qua đã quá khốn cùng. Quá nhiều sinh mạng vô tội mất đi, những người tuyệt vọng, đói khát không ngừng chạy trốn để tìm nơi an toàn. Mức độ thống khổ làm tan nát con tim" - bà trải lòng.

Nữ phó tổng thống Mỹ cũng quả quyết sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Bà còn bày tỏ sự ủng hộ liên minh quân sự NATO - trái ngược với quan điểm chỉ trích khối này của ông Trump. 

Tín hiệu mới về lãi suất

Hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Jackson Hole, bang Wyoming trong 2 ngày 23 và 24-8 được giới đầu tư và chuyên gia trông đợi. Sự kiện quan trọng này quy tụ các nhà hoạch định chính sách của FED, lãnh đạo các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhiều nhà kinh tế và tổ chức tài chính.

Tâm điểm của hội nghị năm nay là bài phát biểu về chính sách tiền tệ của Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 23-8 (giờ địa phương), vốn đang được giới đầu tư trông chờ để có những phản ứng chính sách tức thời một khi FED cắt giảm lãi suất. Ông Powell đã thận trọng khi không đưa ra chi tiết về lộ trình cũng như tốc độ hạ lãi suất. Trước đó, phần lớn quan chức FED tham dự cuộc họp tháng 7 nhất trí cơ quan này có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 nếu dữ liệu về lạm phát và việc làm thuận lợi.

Những diễn biến gần đây của nền kinh tế Mỹ khiến nhiều chuyên gia cho rằng hạ lãi suất là chuyện hiển nhiên. Tuy nhiên, theo Reuters, các nhà kinh tế của Deutsche Bank (Đức) nhận định rất khó để Chủ tịch FED đưa ra cam kết sớm về một chu kỳ hạ lãi suất cụ thể tại hội nghị Jackson Hole. Ông Jerome Powell trước đó nhấn mạnh FED sẽ quyết định dựa vào số liệu kinh tế và sẽ có nhiều báo cáo liên quan được công bố từ giờ cho đến cuộc họp thường kỳ tiếp theo của FED (trong ngày 17 và 18-9).

Hôm 21-8, Bộ Lao động Mỹ cho biết kinh tế nước này trong giai đoạn từ tháng 4-2023 đến tháng 3-2024 tạo ra khoảng 2,1 triệu việc làm, ít hơn 818.000 việc làm so với thông tin ban đầu (khoảng 2,9 triệu). Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của Công ty LPL Financial (Mỹ), nhận định thị trường việc làm có vẻ yếu hơn so với dữ liệu ban đầu và FED có thể cắt giảm lãi suất khoảng 1 điểm % vào cuối năm nay.

Xuân Mai


Theo Hải Ngọc

Người Lao động

Trở lên trên