MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Báu vật nước mặn' của Việt Nam được phương Tây liên tục chốt đơn: xuất khẩu tăng mạnh, nước ta trở thành thị trường chế biến thay thế Trung Quốc

09-07-2024 - 13:39 PM | Thị trường

5 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về gần 64 triệu USD từ mặt hàng này.

'Báu vật nước mặn' của Việt Nam được phương Tây liên tục chốt đơn: xuất khẩu tăng mạnh, nước ta trở thành thị trường chế biến thay thế Trung Quốc- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 17,7 triệu USD nhuyễn thể có vỏ, tăng 10,6% so với tháng trước đó. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt 63,7 triệu USD, tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu các nhóm mặt hàng chính như nghêu, hàu, ốc và sò điệp đều tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm, nghêu là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ với 35 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Các mặt hàng khác như ốc và hàu đạt 10 và 7 triệu USD, tăng lần lượt 18% và 31%. Đáng chú ý, sò điệp là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất lên tới 42%, đạt 9 triệu USD.

'Báu vật nước mặn' của Việt Nam được phương Tây liên tục chốt đơn: xuất khẩu tăng mạnh, nước ta trở thành thị trường chế biến thay thế Trung Quốc- Ảnh 2.

Trong những năm gần đây, nghêu đang dần trở thành sinh kế quan trọng của người dân ven biển, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL, nơi được coi là "vựa nghêu" lớn nhất cả nước. Nhiều sản phẩm nghêu được xuất khẩu như nghêu nâu, nghêu trắng, nghêu lụa dưới dạng luộc, hấp, nguyên con. Hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nghêu sang thị trường EU. Trong đó HASUVIMEX, Lenger Seafoods Vietnam và Minh Dang Co., Ltd là 3 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất nghêu sang thị trường này, chiếm 58% tổng xuất khẩu nghêu của cả nước trong 5 tháng đầu năm nay.

Với sò điệp, theo trang tin NNA Asia thuộc Hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản, trước đây, gần 30% sản lượng sò điệp của Nhật Bản được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong số này có một lượng được bóc vỏ, chế biến tại Trung Quốc và tái xuất sang các nước như Mỹ.

Vào tháng 8/2023, trước việc nhà máy điện hạt nhân TEPCO Fukushima Daiichi xả nước thải đã xử lý ra biển, Trung Quốc đã ngừng hoàn toàn nhập khẩu thủy sản Nhật Bản. Do đó, ngành thủy sản Nhật Bản buộc phải tìm thị trường xuất khẩu và gia công thay thế. Trong đó, Việt Nam là điểm đến triển vọng do chi phí lao động thấp, kinh nghiệm sâu rộng trong chế biến các sản phẩm thủy sản và ít rào cản trong lĩnh vực gia công xuất khẩu.

Vì vậy, đầu năm nay, đã có 12 doanh nghiệp chế biến và thương mại hải sản từ Hokkaido (vùng sản xuất sò điệp) đến các nhà máy chế biến thủy hải sản Việt Nam để kết nối hợp tác. 

VASEP đánh giá, thị trường đang được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm nhu cầu ngày càng tăng về loài hai mảnh vỏ như một nguồn thực phẩm nguyên vẹn. Ngoài ra, nhu cầu đối với nhuyễn thể tại thị trường EU đang có xu hướng hồi phục sau lạm phát. Do đó, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các loài nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam sẽ ngày càng cao, nếu Việt Nam có đủ nguyên liệu.

Việt Nam đang có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu (ngao) đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng nhuyễn thể đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên