BĐS vùng đô thị TP.HCM mở rộng: Đồng Nai quay cuồng trong cơn sốt đất vì sân bay và cầu Cát Lái
Hơn 3 năm qua, câu chuyện xây siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành khiến thị trường BĐS Đồng Nai sôi động, mới đây thông tin tỉnh này đề xuất làm chủ đầu tư cầu Cát Lái cũng khiến nhà đất Nhơn Trạch "sốt" bất thường.
Theo quy hoạch, Vùng đô thị TP.HCM được phân ra thành các tiểu vùng, trong đó tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm: TP.HCM và vùng phụ cận gồm các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Quy hoạch cũng xác định lấy TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng; TP Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc, TP Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông.
Nhằm kịp thời đón bắt chiến lược TP.HCM đang dịch chuyển về hướng Đông, thời gian gần đây tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế Đông Nam bộ đã và đang làm việc chặt chẽ với nhau nhằm xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư, triển khai giải phóng mặt bằng để xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ toàn vùng.
Hàng loạt cao tốc sẽ chạy qua Đồng Nai
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn Đồng Nai sẽ được đầu tư trên 33,3 ngàn tỷ đồng để làm hạ tầng giao thông kịp thời kết nối với sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó, có 5 dự án giao thông quốc gia đang được tỉnh phối hợp để khởi công và xây dựng, tiếp đến là dự án cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM sẽ được xúc tiến kêu gọi đầu tư sớm.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết các dự án trong danh mục này gồm cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường vành đai 3. Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục làm việc với Trung ương để thống nhất chủ trương triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống Metro số 1 kéo dài từ đoạn nhà ga Thủ Đức (TP.HCM) qua địa bàn Đồng Nai.
Đối với những dự án do tỉnh quản lý sẽ tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông ở TP.Biên Hòa và 2 huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, vì có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Mạng lưới giao thông vùng đô thị TP.HCM mở rộng
Được biết, tỉnh Đồng Nai đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Đường Vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng. Mới đây nhất, TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ các địa phương nhanh chóng triển khai thủ tục đầu tư dự án quy mô này.
Theo đó, tuyến đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TP.HCM dài hơn 30km. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km. Dự kiến trong quý II năm nay sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B.
Đoạn 1A dài gần 9km, trong đó 2km nằm trên địa phận TP.HCM, còn lại nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm 190 triệu USD (tương đương 4.180 tỷ đồng) vay từ EDCF và gần 1.150 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam, trong đó tiền của tỉnh chi trả cho giải phóng mặt bằng trên 470 tỷ đồng.
Song song đó, khi trình bày về hệ thống giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, Sở Giao thông - vận tỉnh Đồng Nai mới đây cũng đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai xây dựng tuyến đường 25C đoạn từ hương lộ 19 (huyện Nhơn Trạch) đến quốc lộ 51 và đoạn từ các khu công nghiệp Nhơn Trạch đến đường vành đai 3 (TP.HHCM).
Còn theo lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, một dự án giao thông khác là tuyến đường 25B mở rộng đã được hoàn thiện các thủ tục và chuẩn bị triển khai xây dựng. Sau khi xây dựng hoàn thiện, sẽ hình thành mạch nối thông suốt TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương.
Trong tình trạng "sốt ruột", tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cụ thể, Tỉnh Đồng Nai đã chủ động lế xuất đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM.
Bởi, theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, chỉ cách trung tâm quận 1 của TP.HCM khoảng 20km, nhưng hàng loạt dự án bất động sản ở Nhơn Trạch đã trở thành khu đô thị "ma" gần 20 năm qua là điều rất khó hiểu. Theo đó, tỉnh này đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng cùng bàn thảo phương án đầu tư, dự kiến dự án cây cầu trọng điểm này sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi những hạ tầng giao thông nói trên được xây dựng và đi vào khai thác sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch.
Giá nhà đất tăng vọt trong thời gian qua
Qua tìm hiểu từ nhiều sàn giao dịch nhà đất, từ năm 2016 đến nay, giá đất ở TP. Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom... đã tăng từ 100-200%, thậm chí tăng đến 300% nếu nằm trong vùng quy hoạch các dự án hạ tầng lớn. Trong giai đoạn này, đất đai được mua đi bán lại nhiều đến nỗi có giai đoạn UBND tỉnh phải ra quy định tạm ngưng tách thửa đất một thời gian để hạn chế bớt tình trạng này, đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp hơn.
Song song đó, giá đất tại khu vực quận 2, 9 và Thủ Đức tăng nhanh chóng mặt, vượt khỏi khả năng của những người có nhu cầu về nhà ở. Vì thế, từ khi xuất hiện dự án cầu Cát Lái hơn 7.700 tỷ đồng được tái khởi động, giới đầu tư cũng bắt đầu "dạt" về các khu vực Long Thành, Nhơn Trạch tìm cơ hội, làm cho giá đất bắt đầu "nhích" lên từng ngày.
Ngoài ra còn phải kể đến việc nhiều đại gia địa ốc lớn trong và ngoài nước đang chuyển dòng vốn đầu tư vào Đồng Nai cũng đang làm cho thị trường "sốt" trở lại. Điển hình như những tên tuổi lớn Amata (Thái Lan), VinaCapital (Singapore), DFLC….đang đẩy nhanh tiến độ thi công các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Nhà đầu tư đổ xô mua đất vùng ven
Mới đây nhất, một đại gia địa ốc lớn đến từ châu Á cũng đã thâu tóm dự án khu đô thị có quy mô rộng hơn 500ha tại Nhơn Trạch. Song song đó, các dự án như Swan City, Đông Sài Gòn, Nhơn Trạch City, Khu phức hợp Long Thanh Bay, dự án Khu đô thị chuyên gia Victory Long Thành, dự án Mega City rộng gần 90ha của địa ốc Kim Oanh… cũng đang xây dựng rầm rộ.
Bên cạnh đó, phải kể đến công ty Berjaya (Malaysia) đã rót 230 triệu USD để đầu tư khu tổ hợp Biên Hòa City Square, Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng dành hơn 2,6 tỉ USD phát triển dự án Amata City Biên Hòa quy mô lên đến 700 ha. Tập đoàn Hưng Thịnh chính thức giới thiệu ra thị trường dự án Bien Hoa New City tại TP. Biên Hòa rộng hơn 100ha, trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Nói về triển vọng thị trường địa ốc ăn theo quy hoạch đô thị Long Thành, Nhơn Trạch và vùng đô thị mở rộng TP.HCM, một chuyên gia nghiên cứu thị trường địa ốc của CBRE Việt Nam khẳng định đang xuất hiện "cơn sốt mới" tại những khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và chính vì thế hơn 2 năm qua nhiều doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước dành sự ưu tiên lớn cho nơi này.
"Mặc dù, theo kế hoạch dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của dự án mới được đưa vào vận hành thương mại, nhưng trong 2 năm trở lại đây thị trường BĐS của khu vực này đang bước vào một cuộc cạnh tranh rất gay gắt. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp địa ốc ồ ạt rót vốn phát triển các khu đô thị, giá đất cũng đang thiết lập mặt bằng mới, tăng khoảng 20-40% so với hơn 1 năm trước", vị chuyên gia nghiên cứu này cho hay.
(Kỳ 4: BĐS vùng đô thị TP.HCM mở rộng: Thời kỳ vàng đang quay trở lại với thị trường Bình Dương?)