Bé 8 tuổi nhiễm trùng nội sọ, suýt mất mạng vì 1 thói quen khi rảnh rỗi
Cậu bé nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, nguy hiểm tính mạng. Đáng lo, thói quen gây ra tình trạng này rất nhiều người cũng mắc.
- 15-08-20234 bệnh nhiễm trùng da có thể mắc phải nếu không thay ga giường thường xuyên
- 01-07-20231 vật dụng trong nhà bếp bạn vẫn dùng hàng ngày có thể gây 13 bệnh nhiễm trùng
- 26-04-2023Kiểu cắt móng tay trông gọn gàng nhưng có thể gây mưng mủ, nhiễm trùng huyết
Bé Tiểu Vũ 8 tuổi, ở Hạ Môn (Trung Quốc) thường ngoáy mũi, dụi mắt do nghẹt mũi và ngứa mắt. Một ngày giữa tháng 10 vừa qua, cậu bé đột nhiên nói với mẹ rằng mắt trái của cậu bị sưng và đau. Người mẹ phát hiện mắt trái của con sưng tấy đến mức khó mở ra được. Tại Khoa Nhãn khoa, Bệnh viện Nhi Hạ Môn (Trung Quốc), bác sĩ phát hiện hai mắt của Tiểu Vũ một cao một thấp, có áp xe ở hốc mắt trái, nhãn cầu trái cử động hạn chế, chỉ có thể quay ra ngoài chứ không thể quay được vào mũi. Cậu bé được chẩn đoán mắc bệnh viêm mô tế bào hốc mắt trái, viêm xoang sàng trái.
Vào ngày thứ hai sau khi nhập viện, mặt bên trái của Tiểu Vũ cũng sưng tấy, đau đầu và cảm thấy khó chịu, chỉ số viêm nhiễm tăng cao và bắt đầu rơi vào hôn mê. Hội chẩn đa khoa kết luận tình trạng bệnh nghiêm trọng và cần cảnh báo nhiễm trùng nội sọ nên được chuyển đến phòng cấp cứu (ICU) để điều trị.
Trong ICU, bác sĩ đã tiến hành chọc dò tủy sống cho Tiểu Vũ, kiểm tra cho thấy áp suất dịch não tủy rất cao, chứng tỏ tình trạng viêm đã ảnh hưởng đến não.
Loại bệnh này tiến triển nhanh và rất nguy hiểm, ưu tiên hàng đầu là phải kiểm soát nhiễm trùng càng sớm càng tốt, giảm áp lực nội sọ, nếu không sẽ không cứu được nhãn cầu, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ đã có quyết định kịp thời, kết hợp dùng thuốc kháng khuẩn nồng độ cao và tích cực sử dụng thuốc hạ áp lực nội sọ.
Sau một tuần điều trị, vết sưng tấy ở mắt trái và má của Tiểu Vũ dần giảm bớt và cậu được chuyển đến phòng bệnh thường. Ngày 1/11, Tiểu Vũ được xuất viện, hai tuần sau đó, cậu bé đến bệnh viện kiểm tra lại thì sức khỏe đã hồi phục tốt.
Có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời
" Ai mà ngờ rằng việc ngoáy mũi của một đứa trẻ hay thậm chí cả người lớn cũng làm mỗi lúc rảnh rỗi lại có thể gây ra rắc rối lớn như vậy! ". Gia đình Tiểu Vũ đã rất sợ hãi khi biết rằng tình trạng nguy hiểm của cậu bé thực chất là do nhiễm trùng vì ngoáy mũi.
Ngoáy mũi có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm và đây không phải trường hợp duy nhất. Đầu năm nay, một bé 6, 7 tuổi ở Giang Tô (Trung Quốc) bị viêm xoang, mũi khó chịu, ngoáy mũi, ngoáy da gây viêm mô tế bào cục bộ, sốt cao, vi khuẩn theo máu lên não, hình thành áp xe não, cuối cùng qua đời sau khi cấp cứu thất bại.
Viêm xoang có thể gây ra các biến chứng nội sọ và ngoại sọ. Bác sĩ Gao Gaoqiang, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Hạ Môn (Trung Quốc), cho biết viêm mô tế bào hốc mắt là biến chứng ngoài sọ, ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa, gây viêm xoang hang, xoang sigma và thậm chí áp xe não, là biến chứng nội sọ, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
" Chúng tôi đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị viêm mô tế bào hốc mắt và huyết khối xoang do viêm xoang và viêm tai giữa. Một trẻ vẫn bị lác ở một mắt và hơi khập khiễng khi đi lại ".
Đừng tác động lực vào "tam giác chết" trên khuôn mặt của bạn
Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng có mủ dưới da, lớp dưới da, khoảng gian cơ hoặc mô liên kết lỏng lẻo sâu. Khác với nhiễm trùng có mủ cục bộ, viêm mô tế bào lây lan do vi khuẩn gây bệnh có thể giải phóng hemolysin, streptokinase và các chất khác. Điều này nhanh chóng có thể gây hoại tử mô trên diện rộng. Sự phá vỡ hàng rào da-niêm mạc do nhiều loại chấn thương khác nhau là một trong những nguyên nhân gây viêm mô tế bào.
Trong mũi có rất nhiều vi khuẩn, việc ngoáy mũi bằng ngón tay không sạch sẽ có thể phá hủy niêm mạc mũi mỏng manh, dễ gây nhiễm trùng và dẫn đến viêm mô tế bào.
Nhiều người từng nghe đến "tam giác chết" trên khuôn mặt, khu vực này giàu mạch máu, không có van tĩnh mạch, thông với các mạch máu nội sọ, là "đường tắt" để vi khuẩn xâm nhập vào não. Vì vậy, không nên tự ý nặn, ấn mụn nhọt trên mặt hoặc tác động lực để tránh gây nhiễm trùng nội sọ.
Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng chú ý vệ sinh tay, không chà xát, ngoáy mũi mạnh, nếu có nhiều mũi khô và cứng thì không nên trực tiếp ngoáy mà có thể xịt nước muối trước và đợi cho đến khi nó mềm đi rồi làm sạch chúng.
Nếu thấy đầu và mặt sưng tấy cục bộ thì bạn nên đến bệnh viện điều trị kịp thời, tránh để vi khuẩn xâm nhập vào não và làm chậm trễ việc điều trị.
Nguồn và ảnh: QQ, Healthline
Phụ Nữ Mới