MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bệ phóng' cho các thương hiệu Việt từ thị trường Nhật Bản

Với dân số trên 125 triệu người và tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực chưa tới 38%, Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng đối với các công ty chế biến nông sản và thực phẩm của Việt Nam.

'Bệ phóng' cho các thương hiệu Việt từ thị trường Nhật Bản - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Nhật Bản khám phá bộ sản phẩm gia vị Chin-su của Masan tại Foodex Japan 2023.

Gần đây, một số công ty như Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (Pan Group) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long hướng tới Nhật Bản không chỉ để tìm đầu ra cho sản phẩm mà còn sử dụng thị trường này như một “bệ phóng” cho thương hiệu của mình.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tháng 8/2019, Masan đã ra mắt tương ớt Chin-su chính hãng tại Nhật Bản. Sản phẩm này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản mà còn phù hợp với khẩu vị của người dân nước này. Bước đi này như là một đòn bẩy cho tương ớt Chin-su dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, châu Âu và Bắc Mỹ.

Tiếp nối thành công của tương ớt Chin-su, tại Triển lãm Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế Foodex Japan 2023 ở Tokyo hồi đầu tháng trước, Masan đã tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập gia vị Chin-su mà tập đoàn phát triển riêng cho thị trường Nhật Bản gồm: Nước mắm Chin-su Cá cơm Biển Đông, Tương ớt Chin-su Wasabi, nước tương Chin-su 100% lên men tự nhiên chuẩn Nhật, hạt nêm Chin-su từ nấm shiitake và tảo bẹ kombu. Bộ sản phẩm này có sự kết hợp độc đáo của hai nền ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản. Giống như “người tiền nhiệm” tương ớt Chin-su, Masan đã bán song hành bộ sản phẩm này tại cả thị trường Việt Nam và Nhật Bản, cũng như có kế hoạch đưa bộ sản phẩm xuất khẩu đi các quốc gia khác.

Ông Dan Katsuhiko, Chánh văn phòng kiêm phụ trách thương mại quốc tế của Tập đoàn AEON, đánh giá cao chất lượng của sản phẩm của Việt Nam và hy vọng rằng sắp tới những sản phẩm phong phú của Việt Nam như rau tươi, hàng thủy hải sản sẽ được người tiêu dùng Nhật Bản tiếp tục thừa nhận; ngoài ra, những sản phẩm của thương hiện Masan đã có và bộ sản phẩm mới sẽ được chào đón.

Cùng với Masan, PAN Group - một trong những tập đoàn nông sản, thực phẩm lớn khác của Việt Nam - cũng mang tới Foodex Japan 2023 các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhờ được chế biến sâu và sản xuất theo các tiêu chuẩn khắt khe như như cá tra, trái cây sấy, cà phê...

Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Pan Group, chia sẻ: “Trước đây, thế giới chỉ biết tới Việt Nam như một quốc gia có sản lượng nông sản lớn, nhưng lại không đánh giá cao chất lượng của các sản phẩm Việt Nam. Tham dự Foodex Japan 2023, chúng tôi muốn chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng nông sản, thực phẩm được chế biến sâu và mang thương hiệu Việt Nam cũng có chất lượng cao và có thể sánh vai với sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.

Nhận xét về thị trường Nhật Bản, bà My cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng nếu xuất khẩu được sang thị trường Nhật thì có nghĩa rằng là chúng tôi có thể xuất khẩu ra cả thế giới. Ước mơ của tập đoàn là nâng tầm nông nghiệp Việt, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang hướng tới mục tiêu đó và mục tiêu đó sẽ sớm thành hiện thực”.

'Bệ phóng' cho các thương hiệu Việt từ thị trường Nhật Bản - Ảnh 2.

Gạo ST25 được giới thiệu tại Nhật Bản với thương hiệu A An.

Trước Masan và PAN Group, hồi tháng 6/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An tại Nhật Bản. Để đưa được gạo ST25 vào thị trường này, Tập đoàn Tân Long phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật mà các cơ quan chức năng nước này đặt ra.

Đánh giá về sự xuất hiện của ngày càng nhiều các thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, Tham tán Tạ Đức Minh nói: “Tôi cảm thấy tự hào khi các nông sản, thực phẩm của Việt Nam vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản để có mặt tại thị trường này. Các sản phẩm đó có chất lượng tốt, an toàn và phù hợp với các yêu cầu, các tiêu chí của phía Nhật Bản đã đưa ra. Chúng tôi tin rằng sau khi xâm nhập vào Nhật Bản, các sản phẩm của Việt Nam sẽ được nâng lên tầm cao mới để từ đó, chúng ta có thể đưa các sản phẩm này đi khắp thế giới”.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, người Nhật có thói quen và thị hiếu tiêu dùng khá đặc thù. Chẳng hạn, đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, ngoài việc chú trọng nhất đến chất lượng, vệ sinh an toàn và thời hạn sử dụng, người Nhật còn quan tâm về hình thức sản phẩm như kích thước, màu sắc, mẫu mã và cách chế biến. Vì vậy, ông Tạ Đức Minh khuyến nghị các công ty Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản cần nghiên cứu kỹ sở thích, thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng nước này.

Bên cạnh đó, Nhật Bản có hệ thống phân phối hàng hóa phức tạp, với nhiều tầng lớp trung gian. Do vậy, hàng hóa Việt Nam khó thâm nhập trực tiếp vào các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ mà cần phải thông qua các đầu mối nhập khẩu. Hơn thế nữa, đặc điểm của các kênh phân phối tại Nhật Bản là mỗi đơn vị thực hiện một chức năng riêng. Các đầu mối nhập khẩu lớn sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm các nhà cung cấp từ nước ngoài, đồng thời thực hiện các thủ tục nhập khẩu, trong khi siêu thị chỉ tập trung vào việc bán lẻ. Đây là một trong những rào cản lớn đối với các công ty xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Mặt khác, Nhật Bản là một trong những quốc gia có các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe nhất trên thế giới. Tham tán Tạ Đức Minh nói: “Các quy định kiểm định và kiểm dịch đối với hàng nông-thủy sản và thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản rất chặt chẽ, với nhiều tiêu chuẩn cao về điều kiện trồng trọt hay chăn nuôi, điều kiện xử lý, đóng gói bao bì, dán nhãn, xử lý sâu bệnh và dịch hại, kiểm dịch động thực vật, cấp giấy chứng nhận… Một số tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản còn ở mức độ cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn tương tự của Mỹ, Australia hay các nước châu Âu”. Ông Minh nhấn mạnh nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của Nhật Bản, các hàng hóa của Việt Nam không chỉ thâm nhập được vào thị trường Đông Bắc Á này mà còn có thể thâm nhập vào hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

Cùng chung quan điểm đó, chuyên gia Hiroyuki Moribe, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam, nói: “Nhật Bản có tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm thấp, nhưng việc nhập khẩu các mặt hàng này được quy định bởi nhiều văn bản luật như Luật Vệ sinh Thực phẩm và được kiểm tra rất khắt khe để đảm bảo an toàn. Các mặt hàng này sẽ không thể xuất khẩu sang Nhật Bản nếu chúng không đáp ứng các quy định đó. Nếu bạn có thể xuất khẩu sang Nhật Bản, điều đó đồng nghĩa với việc các mặt hàng lương thực, thực phẩm đó là an toàn”.

Theo Đào Thanh Tùng

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên