Phải có ô tô thương hiệu Việt Nam!
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh điều này tại lễ khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) sáng 22/9.
- 16-09-2020Nghị định 109: Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lắp ráp trong nước
- 12-09-2020Vì sao ô tô tại Việt Nam mãi không rẻ, VinFast vì đâu lỗ nghìn tỷ "cứ đâm đầu"?
Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Hưng là kết quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Thành Công, sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thay vì đầu tư phát triển nền kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ… thì Việt Nam sẽ chuyển sang chiều sâu, hướng tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Đặc biệt, chúng ta phải chuyển từ một nền công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, sang sản xuất, tăng giá trị nội địa hoá, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, hiện nay, xu hướng "ô tô hoá" đang gia tăng mạnh mẽ. Mong muốn sở hữu một chiếc ô tô là nhu cầu chính đáng của mọi người dân và hiện ngày càng nhiều người có khả năng chi trả để mua ô tô.
"Một chiếc ô tô có giá trị như một căn nhà trung bình ở đô thị. Trong khi với ngành xây dựng, tỷ lệ nội địa hoá đạt 99% thì chúng ta phải nhập khẩu nhiều ô tô để tiêu dùng, còn ô tô sản xuất trong nước thì tỷ lệ nội địa hoá lại đang rất thấp", Phó Thủ tướng dẫn chứng và nêu vấn đề cần ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Mục tiêu của Chính phủ là phải có ô tô thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị ngành ô tô, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cũng như tiến tới tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp ô tô toàn cầu".
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt coi trọng và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thay đổi quan điểm phát triển ngành ô tô, thay vì đặt ra những chỉ tiêu nội địa hoá không sát với thực tế, có cách tiếp cận hài hoà, theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, khuyến khích các nhà sản xuất ô tô lớn thay vì nhập khẩu sẽ chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng, hấp dẫn. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển các mẫu ô tô Việt Nam với tỉ lệ nội địa hoá cao. Khuyến khích và tạo điều kiện các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đầu tư dây chuyền, đổi mới công nghệ để có thể lắp ráp được nhiều mẫu xe, trong đó có cả các mẫu xe của các thương hiệu hàng đầu thế giới.
"Tất nhiên, Việt Nam cũng không thể sản xuất 100% giá trị của một chiếc ô tô. Xác định rõ điều này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới và nâng cao thu nhập của người dân", Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô nói riêng vẫn đang đứng trước nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất chính là việc còn thiếu sự vào cuộc của các doanh nghiệp "đầu tàu", chính là các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển thông qua việc đặt hàng, hỗ trợ công nghệ, quản lý, nhân lực…
Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao việc tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Thành Công đã rất tích cực chuẩn bị để sớm triển khai đầu tư Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng.
"Điều này khẳng định tầm nhìn, quyết tâm, sự vào cuộc của các địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam", Phó Thủ tướng nói. Những sản phẩm của tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô hiện tại của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu, giúp ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới.
"Chính phủ khẳng định sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, trong đó có các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.