MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh nhân thứ 17

07-03-2020 - 18:43 PM | Sống

Trẻ em cần phải đến trường, doanh nghiệp cần phải sống thay vì phá sản, nhịp sống sôi động bình thường cần phải trở lại. Nhưng để đến ngày ấy, chúng ta phải thật kiên nhẫn, phải biết đặt lợi ích của tập thể lên trên chút tiện nghi của bản thân.

Chỉ vì không khai báo y tế sau khi đi du lịch châu Âu về, một cô gái khiến các quan chức hàng đầu Hà Nội phải họp khẩn cấp xuyên đêm, khiến cho toàn bộ hộ dân từ số nhà 125 đến 139 phố Trúc Bạch đều phải bị cách ly, khiến cho hàng trăm nhân viên phải hy sinh cuối tuần của mình để truy tìm những con người mà cô đã tiếp xúc để chặn đứng nguy cơ lây lan. Cũng chỉ vì chút chủ quan ấy, cô gái tự biến mình thành "kẻ tội đồ", là chủ đề chỉ trích trên toàn cõi mạng xã hội và khiến cho mọi nỗ lực tuyệt vời để chống dịch của Việt Nam chợt đổ sông đổ bể.

Cách đây vài ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho chúng ta một tia hy vọng: chỉ cần một tuần nữa không có ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch. Giữa bao nhiêu bộn bề fake news, chống phá, Việt Nam cho thấy khả năng ứng biến rất tuyệt vời với dịch bệnh, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có chung tới 1281 km đường biên giới. Mới vài ngày trước thôi, thế giới còn phát cuồng vì bài hát lẫn trào lưu nhảy theo giai điệu bài "Ghen Cô Vy". Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam không chỉ rất giỏi trong việc ứng phó với dịch, mà còn rất lạc quan, và có một cách tuyên truyền vui tươi, trực quan.

Cho đến khi cô gái du lịch châu Âu về nước, và trở thành bệnh nhân thứ 17.

Nước Ý đang gặp khủng hoảng dịch bởi lối sống khá vô tư của người dân nơi đây. Và cụm từ "sống như Ý" chưa bao giờ lại mang hàm ý mỉa mai như thế. Những người từng sang Ý hay quan tâm đến nước Ý có lẽ đều biết: số 17 là một con số rất xui xẻo ở quốc gia này. Vì số La Mã của nó được viết là XVII, đảo trật tự sẽ thành VIXI, trong tiếng Latin có nghĩa là "Tôi đã sống". Khi đặt ở thì hiện tại, nó có nghĩa là "Cuộc đời tôi đã kết thúc" hay "Tôi đã chết". đó là hãng Renault của Pháp khi nhập dòng xe R17 vào Ý phải đổi tên thành R177 để né con số 17 xui xẻo của người Ý. Nhiều khách sạn ở Ý không có tầng 17. Thế vận hội mùa đông Turin 2006, khúc cua thứ 17 trên đường đua Cesana được đặt tên là "Senza Nome" (tức là "Không có tên").

Hôm qua, "ca nhiễm thứ 17", tức cô gái tên N., thật sự đã "chết". Khả năng truyền thông tin ở Việt Nam nhanh đến chóng mặt, và nó biến cho những thuyết âm mưu về việc nhà nước giấu dịch trở thành một trò lố bịch. Cuộc họp khẩn của lãnh đạo Hà Nội còn chưa kết thúc, người ta đã truy ra tên họ, số nhà và Instagram của cô. Và giờ thì bên cạnh con virus ác hại, cơn khủng hoảng vì stress, mặc cảm tội lỗi có lẽ còn tấn công cô khủng khiếp hơn.

Nhưng dù đau lòng, vẫn phải thừa nhận rằng với một xã hội mà nhiều người vẫn coi trọng sự thoải mái của bản thân hơn cả, ở một nơi mà người ta vẫn không thích xếp hàng, vẫn thích đặc quyền thì việc một con người không khai báo y tế để tránh phiền hà rõ ràng là chuyện không sớm thì muộn cũng phải xảy ra. Chẳng phải cách đây ít lâu, một cô gái hồ hởi khoe mình đã trốn cách ly thành công là nhờ "có não" đó hay sao?

Bệnh nhân thứ 17 - Ảnh 2.

Nhìn vào cuộc tổng tấn công dành cho "bệnh nhân thứ 17", thật sự mong mọi người trong chúng ta có một cách ứng xử khác giữa lúc dịch bệnh. Đó là thay vì nghĩ cho bản thân, hãy nghĩ nhiều hơn đến cộng đồng. Phải nhớ rằng để chặn đứng dịch bệnh, ta cần nỗ lực và quyết tâm của hơn 90 triệu người, cần những sách lược chuẩn mực, cần sự chung tay của đủ các ban ngành. Nhưng để dịch bùng phát, ta chỉ cần đúng một con người. Virus Corona và những biến thể mạnh hơn của nó đã thật sự biến mỗi con người trở thành một phần tử ôm bom thánh chiến tiềm năng, và nó chỉ cần chút ngu ngơ là có thể làm tan hoang tất cả.

Và có một thứ cũng kinh khủng không kém con virus kia. Đó là fake news. Trong đêm qua, nhiều cô gái cùng tên hoặc giống mặt "bệnh nhân thứ 17" bị bêu hình trên mạng xã hội. Trên Facebook, khắp các group chat, các page cộng đồng, những bức ảnh và tin đồn cách ly hàng loạt địa điểm được chia sẻ chóng mặt, khiến việc lướt Facebook tối qua cũng trở thành một lựa chọn phiêu lưu. Fake News gieo rắc nỗi sợ hãi ghê gớm hơn virus. Và giữa mùa dịch, sự tàn ác (hữu ý hay vô tình) của con người cũng theo đó mà sinh sôi.

Trẻ em cần phải đến trường, doanh nghiệp cần phải sống thay vì phá sản, nhịp sống sôi động bình thường cần phải trở lại. Nhưng để đến ngày ấy, chúng ta phải thật kiên nhẫn, phải biết đặt lợi ích của tập thể lên trên chút tiện nghi của bản thân. Và tất cả những phương án phòng dịch cá nhân cần phải được tuân thủ một lần nữa. Hãy tin vào chính phủ, thay vì fake news, hãy đọc báo chính thống thay vì những fanpage mới lập. Những địa điểm cần cách ly sẽ được nhà nước đưa tin và thông báo ngay nếu cần thiết, cơ quan chức năng sẽ thông báo và các nguồn tin chính thống sẽ đưa tin. Hãy double check mọi thứ ta đọc hàng ngày để chính mình không trở thành một nguồn lây lan fake news. Hãy nhớ trước khi "bệnh nhân 17" trở về nước, chúng ta thực sự đã làm rất tốt.

Bệnh nhân thứ 17 - Ảnh 3.

Hai ngày trước, Việt Nam đã chính thức sản xuất bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2, trở thành một trong số ít nước có thể sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản, Đức, Trung Quốc. Hãy tin là chính phủ đã có phương án cho những tình huống xấu nhất.

Và cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với tất cả chúng ta.

Xem thêm thông tin về dịch bệnh Covid-19 tại ĐÂY.

Theo Bình Bồng Bột

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên