MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh viện hiện đại thành..."hại điện"

01-09-2016 - 10:07 AM | Xã hội

Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang mới với mức đầu tư 1.306 tỉ đồng được xem là bệnh viện hiện đại nhất ĐBSCL. Do quá hoành tráng nên chi phí vận hành bệnh viện cao ngất, dẫn đến thu không đủ bù chi phí hoạt động.

Bệnh viện có nhiều khối nhà, trong đó tòa nhà chính cao 10 tầng nằm trên khu đất rộng 4,6ha tại P.Đông Xuyên, TP Long Xuyên.

Bệnh viện được đưa vào hoạt động từ tháng 4 năm nay với tổng diện tích sàn xây dựng gần 13.000m2, gồm 600 giường bệnh và được đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Hiện đại quá thành ra... hại điện

Bệnh viện có thang cuốn tự động, thang máy, mỗi khối nhà đặt một hệ thống làm lạnh trung tâm đưa hơi lạnh đến tận từng khoa, phòng. Trong các khoa nội trú, phòng bệnh lớn trung bình có 4-6 giường, nhiều phòng chỉ có hai giường...

Theo một số bác sĩ, bệnh viện được xây dựng và trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, do khá hiện đại nên cũng rất... hại điện.

“Nếu vận hành đầy đủ thì mỗi ngày chỉ riêng tiền điện phải trả lên tới hơn 100 triệu đồng, mỗi tháng tốn cỡ 3 tỉ đồng” - ông Nguyễn Triết Hiền, phó giám đốc bệnh viện, nói.

Bệnh viện đầu tư hoành tráng như vậy nhưng theo lãnh đạo bệnh viện, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại cơ sở mới chỉ bằng mức bệnh viện cũ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.500 lượt người khám ngoại trú và 800-900 người điều trị nội trú. Trong khi đó, cơ sở vật chất mới quá hoành tráng nên phát sinh nhiều chi phí.

Cụ thể, tiền thuê đội làm vệ sinh chuyên nghiệp tốn 6 tỉ đồng/năm, thuê dịch vụ bảo vệ gần 2 tỉ đồng/năm. Do hao tốn điện năng quá lớn nên bệnh viện phải tiết kiệm điện tối đa.

“Chẳng hạn tắt bớt đèn, chỉ cho một thang máy hoạt động trong giờ hành chính, mấy tầng lầu trên cao và một số khu vực ngắt bớt hệ thống điều hòa... Tuy vậy, chi phí điện vẫn gấp 6 lần ở cơ sở cũ với hơn 1,5 tỉ đồng/tháng” - bà Nguyễn Thị Hạnh, giám đốc bệnh viện, cho biết.


Bệnh viện có thang cuốn tự động, hệ thống thang máy, máy lạnh... ngốn rất nhiều điện - Ảnh: Đ.VỊNH

Bệnh viện có thang cuốn tự động, hệ thống thang máy, máy lạnh... ngốn rất nhiều điện - Ảnh: Đ.VỊNH

Khó kham nổi

Chưa tính khoản thu, chi cho lương của đội ngũ thầy thuốc, CB-CNV của bệnh viện, dù đã tiết kiệm nhưng tổng chi thường xuyên của bệnh viện lên đến hơn 10 tỉ đồng/tháng, trong khi tổng thu chỉ khoảng 9-10 tỉ đồng/tháng.

Theo bà Hạnh, bệnh viện cấp tỉnh và do An Giang chưa đạt tỉ lệ 80% dân số mua bảo hiểm y tế nên vẫn thu phí khám chữa bệnh với khung giá dịch vụ cũ (áp dụng từ ngày 1-3-2016 theo thông tư 37 của liên bộ Y tế - Tài chính).

Giá dịch vụ quá thấp cũng góp phần dẫn tới thu không đủ bù chi. “Dù ngân sách đã hỗ trợ nhưng vẫn chịu cảnh thiếu trước hụt sau, cực kỳ khó khăn” - bà Hạnh chia sẻ.

Ông Từ Quốc Tuấn, giám đốc Sở Y tế An Giang, cho hay bệnh viện tuy quy mô lớn, hiện đại nhưng vẫn là bệnh viện tuyến tỉnh, được phân loại là cấp 2 thì bắt buộc áp dụng mức thu phí khám chữa bệnh theo bệnh viện cấp 2.

Và với quy mô đó thì dù chi phí tiền điện nước cao nhưng không thể tính thêm khoản này vào giá dịch vụ khám, điều trị được.

Mặt khác, hiện An Giang áp dụng mức thu chỉ 80% phí dịch vụ khám chữa bệnh mà bội chi bảo hiểm y tế trong sáu tháng đầu năm nay đã trên 100 tỉ đồng.

“Nếu tăng mức thu thì bội chi sẽ tăng lên, điều này rất khó. Do đó khả năng thu chưa đủ bù chi sẽ kéo dài, bệnh viện khó kham nổi” - ông Tuấn nói.

Liên kết, làm vệ tinh cho bệnh viện có thương hiệu

Chúng tôi đặt vấn đề có phải bệnh viện đầu tư “khủng” về cơ sở vật chất nhưng đầu tư về đội ngũ y bác sĩ chưa tương xứng nên chưa thu hút được người bệnh đến khám, điều trị?

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hạnh cho rằng từ khi có dự án bệnh viện mới, đội ngũ thầy thuốc đã đi học nâng cao trình độ, hiện bệnh viện có nhiều bác sĩ chuyên khoa và vừa tiếp nhận thêm 15 bác sĩ, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Hiện bệnh viện đang đề xuất xin mở thêm khu dịch vụ chất lượng và kỹ thuật cao có phụ thu thêm phí nhằm tăng nguồn thu.

“Tập thể bệnh viện quyết tâm thay đổi cung cách, tận tình phục vụ và điều trị đạt hiệu quả cao, qua đó tạo thêm uy tín và lòng tin để thu hút thêm người bệnh đến khám, điều trị dịch vụ” - bà Hạnh nói.

Trong những giải pháp nhằm thu hút người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện và góp phần giảm tải cho tuyến trên, bà Hạnh cho biết bệnh viện đã áp dụng các phương pháp điều trị kỹ thuật cao ở một số khoa.

Ngoài ra, khoa ung bướu của bệnh viện đã hợp tác, liên kết với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khoa chấn thương chỉnh hình và khoa ngoại tổng hợp đang được Bộ Y tế phê duyệt là bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Chợ Rẫy.

Còn ông Từ Quốc Tuấn cho biết sẽ cử bác sĩ đi học chuyển giao kỹ thuật từ một số bệnh viện trung ương.

Theo Đức Vinh

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên