MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị Bộ Tài chính bác đơn vay vốn, ông chủ Vinaxuki nói gì?

“Ở nhiều nước, người ta mua lại nợ xấu tạo nên tài sản cố định để sản xuất là bình thường, nhưng ở Việt Nam thì điều này lại không thể”, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki buồn bã nói.

Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng đề nghị được vay vốn ngân hàng, để mua lại nợ xấu của các ngân hàng cho vay dự án nội địa hóa ô tô con của Vinaxuki đã bị bán lại cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC). Tuy nhiên, Bộ Tài chính vừa chính thức bác bỏ yêu cầu này.

Bộ Tài chính cho hay: "Tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31.3.2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước không có quy định về việc vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu mà ngân hàng thương mại đã bán cho các tổ chức khác". Do đó, đề nghị vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu của Vinaxuki là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Huyên cho biết ông muốn vay khoảng 30 triệu USD nhưng Bộ Tài chính không đồng ý vì không có cơ chế. “Ở nhiều nước, người ta mua lại nợ xấu tạo nên tài sản cố định để sản xuất là bình thường, nhưng ở Việt Nam thì điều này lại không thể”, ông Huyên nói.

Vị này chia sẻ thêm: “Tôi đầu tư công nghệ cao để sản xuất ô tô nhưng không ai cho vay, ngân hàng thương mại thì bảo sang ngân hàng phát triển, ngân hàng phát triển bảo chưa có cơ chế. Nhiều người không làm gì, chỉ lập cái dự án thật đẹp thì lại được vay, còn tôi đã làm thực tế thì lại không được vay. Trong khi theo các quy định, đầu tư công nghệ cao, sản xuất phụ trợ để phát triển công nghiệp ô tô thì được vay vốn ưu đãi, thời hạn tối thiểu 10 năm”, ông nói.

Ông Huyên cho biết hơn 5 năm qua, Vinaxuki đã chạy khắp các nơi xin vay vốn mà không được, mặc dù công ty này đã có đầy đủ đất đai, nhà xưởng dây chuyền máy móc công nghệ cao, hiện đại vào loại hàng đầu và là doanh nghiệp duy nhất sản xuất phụ tùng ô tô cốt lõi bằng công nghệ cao. Không chỉ vậy, Vinaxuki đã làm ra được các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hóa trên 40-50% giá rẻ hơn xe nhập ngoại rất nhiều.

"Chúng tôi chỉ xin được cứu giúp, xin được tái cơ cấu vốn, được vay tiền để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống công nhân, kỹ sư trong lúc thị trường ô tô tăng nóng 45-56% mà không được”, ông than thở.

Trước đó, ông Huyên đã từng gửi đơn kêu về vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ, mong Thủ tướng thành lập một tổ công tác, điều tra lại ngành công nghiệp ô tô vì sao không làm được. Đồng thời ông mong Thủ tướng cử tổ công tác xuống nhà máy của mìnhxem đầu tư có đúng hay không, tại sao dự án của ông không được ưu đãi, đề nghị thanh tra ngân hàng xem vì sao không cho ông vay vốn dù đủ điều kiện, rất nhiều cán bộ thừa nhận dự án của khả thi...?

Trong một cuộc trao đổi với Một Thế Giới trước đó, ông Huyên cho biết nhà máy tại Thanh Hóa của ông xây dựng đã hoàn thành, rất khả thi, có thể đáp ứng nhu cầu xe tải nặng nhưng ngân hàng cho rằng không khả thi nên yêu cầu ông phải bán nhà máy đi. "Khi tôi chưa bán được thì các ngân hàng lại cho các doanh nghiệp vay để nhập xe về bán, các ngân hàng lại cho họ vay vốn để làm nhà máy như tôi đã làm".

Ông Huyên cho rằng nếu năm 2012-2015 được vay vốn lưu động sản xuất xe tải nặng và xe khách tại Thanh Hóa thì Vinaxuki không những trả hết nợ mà còn có lãi. Ông dẫn chứng năm 2013, thị trường xe tải nặng thiếu xe, giá xe tăng cao, các ngân hàng cho các công ty TMT và Trường Hải vay nhiều vốn, nhập khẩu xe nguyên chiếc, phụ tùng... nên họ có điều kiện phát triển. Trong khi do không vay được vốn lưu động nên các kế hoạch sản xuất kinh doanh bị đổ vỡ, Vinaxuki không trả được nợ.

Lãnh đạo Vinaxuki cũng nhận xét giá xe đắt một phần là do thuế, còn một phần là do tỷ lệ lãi của các doanh nghiệp rất cao, không ai khống chế giá. Trong khi đó xe của Vinaxuki giá rẻ, chỉ bằng 50-60% giá xe lắp ráp. Ông kể: "Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tôi làm phương án đưa các ngân hàng xét, phương án xong thì nhiều người cũng ủng hộ, họ còn nói không cần làm nhiều, chỉ cần làm 6.000 xe/năm, bằng 6% công suất các nhà máy thì đã ổn để đủ trả nợ và trả lãi".

“Ô tô Việt Nam không nội địa hóa được thì dân không bao giờ có xe giá rẻ để đi. Việt Nam đầu tư vào sản xuất phụ tùng ô tô bao nhiêu? Các ngân hàng cho doanh nghiệp vay bao nhiêu để phát triển phụ tùng ô tô? Trong khi đó, cho doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu linh kiện vay bao nhiêu?”, ông Huyên nêu nghịch lý.

Cũng theo ông Huyên, lắp ráp thì không ai gọi là công nghiệp ô tô cả, chỉ sản xuất phụ tùng mới gọi là công nghiệp ô tô mà thôi. Công nghiệp ô tô phải định nghĩa là công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô. Không sản xuất được phụ tùng ô tô thì không bao giờ có công nghiệp ô tô cả. Vốn mà không rót vào thì làm sao phát triển được.

“Có hàng loạt chính sách để khuyến khích, nhưng không ai thực hiện. Giữa luật pháp, chính sách và thực tế khác nhau rất xa. Nhà máy của tôi đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Mà nhà máy của tôi là nhà máy công nghệ cao, hiện đại, có thể nội địa hóa lên tới 50%”, ông Huyên khẳng định.

Lam Thanh

Theo Lam Thanh

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên