MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị căn bệnh phổ biến này nhưng chủ quan không điều trị sớm, nhiều người phải nằm liệt giường, biến chứng lở loét nặng

20-09-2019 - 23:22 PM | Sống

Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh này tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Trong đó, thường nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng của bệnh, có khi nằm liệt giường kèm nhiều biến chứng như loét tì đè, viêm phổi hít…

Ngày 18/9, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhân bị suy kiệt cơ thể sau thời gian dài mắc căn bệnh sa sút trí tuệ (SSTT).

Đi đâu cũng sợ bị ám hại vì sa sút trí tuệ

Bà N.T.N. (84 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) rất hay quên, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và thường không dám ra ngoài một mình vì sợ bị ám hại.

Theo thời gian cụ bà ăn kém dần, không biết cách nhai thức ăn, không cảm giác đói dẫn đến tình trạng suy kiệt và phải nhập viện cấp cứu.

Tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bà N. bị SSTT giai đoạn trung bình.

Bệnh nhân được tiến hành điều trị kháng sinh đủ liều, tập các bài tập nhận thức, vận động tại. Bên cạnh đó, người nhà cũng được hướng dẫn cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh. Sau 10 ngày, người bệnh được xuất viện, tiếp tục các bài tập hỗ trợ tại nhà.

Bị căn bệnh phổ biến này nhưng chủ quan không điều trị sớm, nhiều người phải nằm liệt giường, biến chứng lở loét nặng - Ảnh 1.

Bệnh nhân sa sút trí tuệ điều trị tại BV ĐHYD TP.HCM.

TS.BS. Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ cho biết, nguyên nhân gây SSTT bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ các bệnh lý như bệnh alzheimer, đột quỵ não , parkinson… và lạm dụng thuốc trong thời gian dài. Đặc biệt là nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm…

Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi nhưng thường hay bị bỏ sót, nếu có phát hiện thì thường là khi đã bước vào giai đoạn trung bình - nặng.

Hiện có tới 75% trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm khá lâu trước khi được phát hiện. Do đó, việc nhận biết và phòng tránh những nguyên nhân gây bệnh là điều rất quan trọng, giúp giảm những ảnh hưởng xấu của bệnh gây ra.

Triệu chứng sa sút trí tuệ

Ở giai đoạn nhẹ, triệu chứng nổi bật nhất của bệnh là suy giảm trí nhớ ngắn hạn, có những thay đổi tính tình như trở nên khó tính hơn, dễ nóng giận và kích động.

Ở giai đoạn trung bình, người bệnh bắt đầu biểu lộ những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu những thông tin mới, bị rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian; các rối loạn hành vi trở nên nặng nề hơn, người bệnh bị hoang tưởng bị ám hại, trở nên nghi kỵ những người xung quanh hoặc vô cớ tấn công người khác.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng độc lập trong sinh hoạt thường ngày, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc.

Người bệnh mất trí nhớ, không còn nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt.

Theo thống kê ở Mỹ, tỉ lệ mắc SSTT tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Sau 85 tuổi, tỉ lệ SSTT là 40-50%.

Tại Việt Nam, thống kê của Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức cho thấy, có khoảng 500.000 người cao tuổi mắc SSTT, chiếm khoảng 4,8-5%.

Bị căn bệnh phổ biến này nhưng chủ quan không điều trị sớm, nhiều người phải nằm liệt giường, biến chứng lở loét nặng - Ảnh 2.

Cần phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson… khi điều trị cho người bệnh SSTT

Người bệnh SSTT thường nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng của bệnh, có khi nằm liệt giường kèm nhiều biến chứng như loét tì đè, viêm phổi hít…

TS BS. Thân Hà Ngọc Thể cho biết, bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng nhận thức, rối loạn hành vi tâm thần thì việc chăm sóc người bệnh đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức cũng góp phần quan trọng.

Ngoài ra, cần phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson… khi điều trị cho người bệnh SSTT.

Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối; tăng cường luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội; luôn sống vui vẻ, lạc quan; chơi các trò chơi trí tuệ cùng con cháu: chơi cờ, chơi game…

Bên cạnh đó, nên hạn chế các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá… và điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson, phòng ngừa đột quỵ…

Nhằm tư vấn phòng ngừa và điều trị bệnh sa sút trí tuệ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đồng thời hưởng ứng Ngày sa sút trí tuệ thế giới 21/09/2019, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chương trình "Hưởng ứng ngày Azheimer thế giới".

Thời gian: 07h00 – 11h30, Chủ Nhật ngày 22/09/2019.

Địa điểm tổ chức: Tầng trệt khu A, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TPHCM.

Bệnh viện sẽ khám miễn phí vào ngày diễn ra chương trình cho 300 người đăng ký sớm nhất qua số điện thoại (028) 3952 5449.

Theo Hoàng Lê

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên