Bỉ cảnh báo không tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Bỉ, việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga sẽ gây ra những rủi ro tài chính và hệ lụy pháp lý khó lường.
- 05-06-2024Bỉ đề xuất "mạnh tay” với Hungary
- 28-03-2024Cận cảnh nông dân Châu Âu dùng xe chở phân đấu vòi rồng của cảnh sát Bỉ gần trụ sở EU
- 15-02-2024Bỉ phát triển cây ảo để tìm giống cây thích ứng với hạn hán
Bộ trưởng Bộ Tài chính Bỉ Vincent Van Peteghem cho biết Bỉ không ủng hộ việc tịch thu tài sản của Nga đã bị EU phong tỏa như một phần của các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh những rủi ro ngày càng tăng liên quan đến động thái này.
Phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD tài sản thuộc Ngân hàng trung ương Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 - một động thái bị Moscow tố cáo là "hành vi trộm cắp". Khoảng 280 tỷ USD trong số tiền này bị nắm giữ ở EU, chủ yếu tại cơ quan lưu ký và thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ.
"Trước hết, đối với Bỉ, chúng tôi không động đến số tài sản này vì việc thay đổi quyền sở hữu sẽ gây ra những hậu quả khó lường cả về mặt pháp lý và tài chính" - Bộ trưởng Van Peteghem nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp ECOFIN của EU tại Luxembourg.
Đầu tháng 6 này, các quốc gia G7 thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng tiền lãi từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho khoản vay 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ Ukraine mua vũ khí và xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết việc tịch thu tài sản của Nga chưa được bàn đến.
(Ảnh: Central Banking)
Vào tháng 4, Bộ trưởng Van Peteghem tuyên bố rằng EU đã gần đạt được thỏa thuận về việc thu giữ lợi nhuận từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng đợt thu tiền lợi nhuận đầu tiên có thể diễn ra sớm nhất vào ngày 1/7.
Ý tưởng tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga đã được các nhà lập pháp EU và các đồng minh của khối tranh luận trong 2 năm qua. Trong khi Mỹ và Anh kêu gọi tịch thu hoàn toàn số tiền này, nhiều báo cáo cho thấy các nước thành viên EU vẫn thận trọng với động thái trên, với lý do thiếu cơ sở pháp lý cho động thái này cũng như lo ngại rằng Nga sẽ thực hiện các hành động trả đũa. Một số quan chức hàng đầu EU đã cảnh báo rằng động thái quyết liệt này có thể làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống tài chính của EU.
Điện Kremlin đã tố cáo việc thúc đẩy sử dụng tài sản của Nga để hỗ trợ cho Ukraine. Đầu tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Nga sẽ có những biện pháp đối phó chính trị và kinh tế mà Moscow có thể sử dụng để đáp trả nếu tài sản có chủ quyền của nước này bị tịch thu .
VTV