MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị chất vấn về siêu dự án “đắp chiếu”, Bộ trưởng Công Thương nói gì?

Là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Công Thương sáng 15/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chất vấn về thua lỗ của các siêu dự án, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và những kiến nghị để không còn tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay đối với 5 dự án còn nhiều vướng mắc, Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng hiểu Quốc hội, cử tri còn mong muốn làm rõ hơn, có hướng xử lý khắc phục cụ thể để tránh xảy ra chuyện tương tự trong tương lai.

5 dự án này được phê duyệt từ khoảng năm 2003 – 2008 đến nay. Do các dự án làm trong các lĩnh vực khác nhau, kéo dài qua các thời kỳ, nên diễn biến khác nhau, nhưng nhìn chung có một số vấn đề.

Đầu tiên, các dự án này đều triển khai kéo dài. Ví dụ dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án Đạm Ninh Bình, thậm chí như dự án Đạm Ninh Bình đến nay vẫn chưa quyết toán được đầu tư mặc dù đã đi vào vận hành.

Thứ hai, các dự án này rơi vào tình trạng biến động của thị trường thế giới. Ví dụ giá dầu có thời kỳ trên 100 USD/thùng có lúc lên đến 147 USD/thùng, bây giờ chỉ còn hơn 40 USD/thùng. Sự biến động giá cả đã ảnh hưởng đến dự án.

Thứ ba, do hạn chế về năng lực: năng lực của chủ đầu tư, năng lực của cơ quan quản lý, năng lực đàm phán…. Ví dụ về năng lực quản lý, theo quy định thì các tổng công ty 90-91 là ban lãnh đạo chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án.

Cũng theo đó, cho đến nay, các dự án từ gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, xăng ethanol Phú Thọ, đạm Ninh Bình đều có vấn đề, đặc biệt là hiệu quả.

Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải nghiên cứu, phân tách làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Cần phải xem xét toàn diện tổng thể, nhưng trên nguyên tắc làm rõ, đảm bảo vốn nhà nước, lợi ích của nhà nước, nguyên tắc tôn trọng thị trường, làm rõ rách nhiệm từng dự án, cho thuê, cổ phần hoá dự án, làm tiếp… thậm chí, theo ông, đối với 1 số dự án thì có thể tuyên bố phá sản.

Về xử lý trách nhiệm, Bộ trưởng cho rằng phải làm cẩn trọng, đánh giá cụ thể dựa trên khung pháp lý, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, với câu trả lời này của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn tiếp. Ông Sinh cho rằng câu trả lời chưa đi vào trọng tâm vấn đề vì chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước gây ra tình trạng thua lỗ doanh nghiệp. Bộ làm rõ đến đâu? Trách nhiệm của cơ quan quản trị bộ đã làm rõ thế nào?

"Khoán trắng cho doanh nghiệp rồi khi thua lỗ lại báo lên Quốc hội thì không được”, đại biểu này nhận xét.

Trước chất vấn này, Bộ trưởng Công Thương bổ sung, do dự án kéo dài lâu, tính chất từng dự án phức tạp do đó đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm từng khâu, bộ phận, đối chiếu với các khung pháp lý cần có thời gian. Việc này có sự chỉ đạo của Chính phủ, thanh tra Chính phủ cũng như kiểm toán các cơ quan khác cùng tham gia: “Mục tiêu của chúng ta không chỉ là triệt để xử lý các dự án mà còn truy cứu trách nhiệm, đảm bảo không để tái diễn”.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Tuấn Anh, từ sau năm 2012 với Nghị định 99, trách nhiệm đã được giao cho từng bộ quản lý. Vì vậy, về sau trách nhiệm từng Bộ sẽ được xem xét rõ, đặc biệt là bộ chủ quản. Thứ hai, đối với quản trị doanh nghiệp đã có khuôn khổ pháp lý. Vì vậy, việc phân tích đánh giá sẽ rõ ràng, làm sai hay không, vô tình hay cố tình trách nhiệm đến đâu...

Bộ trưởng Công Thương nói thêm, một số dự án đã được thanh tra, một số thì đang thanh tra, và cụ thể như nào cần thời gian để báo cáo và trình Thủ tướng xem xét, xử lý triệt để.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên