Bi hài nhân viên Facebook: Bị ép đi làm lại nhưng văn phòng không đủ chỗ, phải ngồi sàn...'họp trực tuyến'
Dù đã sa thải hơn 11.000 người tính đến cuối tháng 5/2023 nhưng Meta vẫn có 65.000 nhân viên, nhiều hơn cả trước đại dịch và điều này khiến cơ sở hạ tầng không còn đáp ứng đủ yêu cầu khi tất cả bị ép...chấm công.
- 11-07-2023Trước khi bị bắt khẩn cấp vì lừa đảo, trùm buôn siêu xe Phan Công Khanh thường khoe gì trên Facebook?
- 12-06-2023Thích làm người giàu trên Facebook, nhưng nợ 50 triệu đồng mãi không trả? Người thành công thực sự không chọn cách “khoe giàu” để chứng tỏ bản thân
- 16-05-2023Những sở thích dị lạ của hàng loạt tỷ phú hàng đầu thế giới: Bill Gate thích rửa bát, Jack Ma nghiện sưu tầm muối, kỳ cục nhất gọi tên ông chủ Facebook
Tờ Business Insider (BI) cho hay Mark Zuckerberg đang cố gắng chấm dứt văn hóa làm việc từ xa và buộc nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc, thế nhưng tình hình lại đang trở nên lộn xộn vì chính điều này.
Theo quy định mới, kể từ ngày 5/9/2023, tất cả 65.000 nhân viên chính thức của Meta (Facebook) sẽ phải đến văn phòng làm việc ít nhất 3 ngày mỗi tuần. Tất cả mọi người sẽ phải chấm công và những ai không tuân thủ có thể bị đuổi việc.
Hệ quả là hàng nghìn nhân viên Meta đã đổ xô đến văn phòng chấm công theo quy định, nhưng đế chế nhà Mark Zuckerberg lại quên mất một điều: Họ chưa chuẩn bị đủ cơ sở vật chất cho toàn bộ 65.000 lao động cùng quay lại.
Sau quãng thời gian dài giãn cách vì đại dịch cũng như chính sách làm việc từ xa khá thoải mái, hệ thống cơ sở hạ tầng của Meta chỉ chuẩn bị đủ cho một bộ phận lao động chứ không phải toàn bộ 65.000 người, chưa kể tập đoàn này đã tuyển thêm lượng lớn nhân viên hậu đại dịch.
Mặc dù Mark Zuckerberg đã sa thải bớt hơn 11.000 nhân viên tính đến tháng 5/2023 nhưng tập đoàn này vẫn có lượng lao động nhiều hơn so với trước đại dịch.
Bên cạnh đó, chính sách cắt giảm ngân sách để tiết kiệm chi phí cũng khiến cơ sở vật chất của Meta không kịp đáp ứng đủ toàn bộ lao động khi quay lại, qua đó trở thành mớ hỗn độn.
“Thật là một mớ hỗn độn. Sẽ rất khó để giải quyết lượng lớn nhân viên mới được tuyển dụng trong giai đoạn làm việc từ xa và giờ ép họ đến công ty làm việc. Đáng lẽ ra thay vì ép mọi người như vậy thì cứ để họ làm việc từ xa cho xong”, một nhân viên giấu tên của Meta nói với BI.
Ngồi sàn hoặc nghỉ việc
Một số nhân viên giấu tên nói với BI rằng Meta hiện còn chẳng đủ phòng họp cho mọi người dùng. Mặc dù tập đoàn này vào năm 2019 vẫn hoạt động bình thường nhưng đó là khi công ty còn ít nhân viên cũng như rất nhiều người làm việc từ xa. Thế nhưng mọi chuyện giờ đây đã khác với chiến lược “năm hiệu quả” của Mark Zuckerberg nói trước đại hội cổ đông.
Giờ đây ngay cả các nhóm đặt được phòng họp cũng chỉ có 1-2 tiếng rồi phải nhường phòng cho đội khác. Ngay khi có phòng trống, các nhóm sẽ đổ xô vào họp vội và thậm chí phải ngồi ra sàn vì không đủ chỗ.
“Chúng tôi đang xử lý để giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra nhiều không gian làm việc trực tuyến hơn”, người phát ngôn của Meta nói với BI một cách đầy trớ trêu khi chính Mark Zuckerberg đang yêu cầu toàn bộ nhân viên quay trở lại công ty làm việc.
Chưa dừng lại ở đó, việc toàn bộ nhân viên quay trở lại làm việc khiến Meta không có đủ chỗ làm cho tất cả mọi người trong ngày.
Ông Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram và Threads đã phải thốt lên rằng Meta chưa thể giải quyết được việc đáp ứng đủ cơ sở vật chất cho toàn bộ nhân viên quay lại văn phòng. Sự sắp xếp chỗ làm việc hiện nay không còn đáp ứng được số lượng lao động gia tăng đáng kể sau thời gian giãn cách và làm việc online nữa.
Tình hình rắc rối đến mức Meta đã phải gia tăng chính sách chia sẻ bàn làm việc giữa các nhân viên để mọi người có chỗ làm việc trên công ty thay vì đến chấm công nhưng phải ngồi sàn.
“Thật quá khó để kiếm một chỗ ngồi tử tế dài hạn ở đây”, một nhân viên than vãn khi phải di chuyển nhiều tầng tìm chỗ ngồi dù đang phải tham gia một cuộc họp trực tuyến.
Rất nhiều nhân viên Meta than phiền do không đủ chỗ nên họ đến công ty nhưng lại phải họp trực tuyến hoặc làm việc nhóm online qua “video call” khi mỗi người ngồi mỗi chỗ khác nhau.
“Chúng tôi đến văn phòng chỉ để họp trực tuyến. Thật lố bịch”, một nhân viên giấu tên nói với BI.
Chính sách mới của Meta hiện đang khiến nhân viên phải lựa chọn, hoặc là ngồi sàn làm việc trên công ty, hoặc là không chấm công và có khả năng bị đuổi việc. Thế nhưng dù có khó khăn đến mấy thì chẳng ai ở Meta xin nghỉ chỉ vì sự bất tiện này.
Không ai nghỉ
Theo BI, dù mệt mỏi với việc thiếu chỗ làm việc nhưng hầu như chẳng nhân viên nào của Meta xin nghỉ.
“Không ai xin nghỉ cả”, một nhân viên giấu tên nói với BI khi cho biết mọi người đều cố gắng chịu đựng để hoàn thành công việc và không bị đuổi.
Việc Meta sa thải hàng loạt trong năm 2023 cùng với những khó khăn chung hiện nay của tập đoàn khiến nhiều nhân viên nhận thức được rằng họ đã không còn giá trị như trước đây. Thậm chí hiện Meta vẫn áp dụng chính sách đánh giá kết quả công việc và loại bỏ 14,5-16,5% số nhân viên có thành tích kém nhất nhằm cắt giảm chi phí.
Chính điều này đã dẫn đến việc yêu cầu của Mark Zuckerberg dù khiến mọi người không thoải mái nhưng hầu như tất cả các nhân viên của Meta đều tuân thủ.
Tất nhiên Mark Zuckerberg cũng không cứng nhắc ép toàn bộ nhân viên đi làm khi vẫn cho những lao động thâm niên quá 18 tháng có thể đăng ký làm việc online. Thế nhưng quá trình xét duyệt đơn xin này rất chậm.
“Hàng nghìn người đã nộp đơn xin làm online nhưng hầu như chưa có phản hồi”, một nhân viên giấu tên nói với BI.
Giám đốc nhân sự Lori Goler của Meta cho hay những đơn xin làm việc trực tuyến của nhân viên gửi từ cuối tháng 8/2023 sẽ không được xét duyệt cho đến tận cuối tháng 10/2023. Trong thời gian này, mọi nhân viên công ty vẫn sẽ phải đến văn phòng theo quy định.
*Nguồn: BI
Nhịp sống thị trường