MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị HLV lạm dụng và "cả đời" chưa từng có đôi giày vừa chân: Đường tới Olympic chưa bao giờ truân chuyên đến thế!

14-08-2016 - 13:54 PM | Sống

Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, một đội tuyển được thành lập từ 10 người tị nạn (ROT) tham gia tranh tài. Họ là biểu tượng cho sự hy vọng của những người tị nạn trên toàn cầu.

Sự góp mặt của ROT tại Olympic 2016 phản ánh rõ nét cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang theo chiều hướng leo thang. Hàng triệu con người phải sống trong cảnh không nhà, không cửa, tha hương cầu thực nơi xứ người vì chiến tranh và xung đột biên giới.

Trong buổi lễ khai mạc, đội tuyển người tị nạn diễu hành dưới ngọn cờ Olympic trong sự nhiệt liệt chào đón của thế giới. Trong hành trình đua tài, họ tham gia thi đấu với các nội dung bơi lội, điền kinh, judo.

Hai vận động viên đến từ Syria thu hút nhiều sự chú ý, quan tâm của thế giới đó là Yusra Mardini và Rami Anis. Họ sẽ thi đấu ở hạng mục lần lượt là 100m bơi bướm và 100m bơi tự do. Tuy không đạt được huy chương nhưng Mardini và Anis đã phá kỷ lục của bản thân và chứng minh trước thế giới, người tị nạn không phải là kẻ xấu.

Và câu chuyện về cuộc đời truân chuyên cũng như hành trình đầy khó khăn để tới với Olympic của ROT đã truyền cảm hứng, nghị lực sống tới với nhiều người:

1. Rami Anis, kình ngư đến từ Syria.

Anis- vận động viên 25 tuổi, đến từ Aleppo, Syria, tham gia tranh tài 100m bơi tự do nam hôm 9/8. Chàng trai trẻ theo đuổi sự nghiệp bơi lội từ năm 14. Khi cuộc nội chiến ngày càng trở nên khốc liệt, Anis và gia đình di cư đến Istanbul.

Rời khỏi quê hương, Anis chỉ mang theo một chiếc túi nhỏ với số quần áo ít ỏi. Tuy nhiên, anh không được phép tham gia thi đấu các sự kiện thể thao tại Istabul: “Tôi từng nghĩ, mình chỉ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tháng và quay trở về quê hương”. Sau đó, Anis đưa ra quyết định mạo hiểm vượt biển đến lánh nạn tại Bỉ.

Sau phần thi hôm thứ 3, Anis thổ lộ hi vọng có thể đại diện cho Syria tham dự Olympic 2020.

2. Yiech Pur Biel, vận động viên điền kinh từ Nam Sudan

Sau khi chạy trốn khỏi đất nước Sudan bị chiến tranh tàn phá, Pur Biel tìm tới trại tị nạn ở Kenyan khi chỉ là một thiếu niên. Thời gian đầu, Yiech chơi bóng đá và tìm đến điền kinh một năm trước.

“Chúng tôi không có thiết bị luyện tập, thậm chí đến một đôi giày cũng không” - Yiech hồi tưởng lại những tháng ngày trong trại tị nạn.

Vận động viên trẻ tuổi sẽ tham dự thi đấu nội dung chạy 800m, anh cho biết: “Cho dù không đạt được huy chương nhưng tôi sẽ chứng minh, tôi là một người dân tị nạn và có thể chinh phục mọi thử thách”.

3. Yolande Bukasa Mabika, vận động viên judo đến từ Cộng hòa Dân chủ Công gô

Những ký ức về cuộc chạy trốn khỏi miền đông Công gô còn đậm nét trong tâm trí Mabika, sau khi bị tách khỏi bố mẹ, cô được đưa lên một chiếc trực thăng đến thủ đô Kinshasha. Tại đây, Mabika sống trong trung tâm dành cho trẻ vô gia cư, nơi đã tôi luyện cho cô một trái tim kiên cường.

Cô chia sẻ: “Tôi từng khóc rất nhiều khi không còn có bố mẹ ở bên. Tôi tìm đến judo với mong muốn có cuộc sống tốt hơn”.

Vậy mà, cuộc sống chẳng dễ dàng, nữ vận động viên 28 tuổi từng bị chính huấn luyện viên lạm dụng và đe doạ sẽ nhốt cô nếu thua trận.

Mabika tham gia tranh tài tại hạng mục 70kg.

4. James Nyang Chiengjiek, thi đấu chạy 800m, đến từ Nam Sudan

Khi mới 13 tuổi, để tránh khỏi việc bị phiến quân bắt cóc, Chiengjiek buộc phải trốn khỏi Nam Sudan đến Kenya. Trong trại tị nạn, Chiengjiek không chỉ tham gia học tập mà còn bắt đầu luyện tập điền kinh, nhưng không phải lúc nào cũng có một đôi giày vừa chân.

“Chúng tôi luôn bị chấn thương bởi không có đôi giày của riêng mình”, anh trải lòng.

Chia sẻ về giấc mơ tới Rio, anh nói: “Tôi ao ước có thể đạt được một kết quả tốt tại Thế vận hội Olympic và giúp đỡ mọi người. Mọi người đã giúp đỡ tôi và giờ tôi cũng muốn làm điều gì đó cho cộng đồng”.

Vận động viên điền kinh sẽ tham gia nội dung chạy 800m.

5. Yusra Mardini, kình ngư từ Syria

Vốn sinh sống tại thành phố Damascus, nữ kình ngư 18 tuổi đã buộc phải đi lánh nạn cùng chị gái, trước khi cố gắng đặt chân đến Hi lạp, 2 cô gái trẻ đã vượt qua Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, sau khi khởi hành được 30 phút tại Thổ Nhĩ Kỳ, động cơ của chiếc thuyền đột nhiên bị hỏng. Chiếc thuyền vốn chỉ có khả năng chở 6 người, thì nay, số người tị nạn lên đến 20. Hầu hết mọi người không biết bơi. Mardini cùng chị gái và 2 người biết bơi khác không ngần ngại xuống đẩy thuyền khỏi bị lật úp.

6. Rose Nathike Lokonyen, vận động viên điền kinh từ Nam Sudan

Lokonyen chạy trốn khỏi Nam Sudan khi chỉ mới lên 10. Cô trải qua 13 năm sinh sống tại trại tị nạn Kakuma, Kenya. Bén duyên với điền kinh đã lâu nhưng cô chỉ mới biết đến đôi giày chạy một năm trước. Trước đó, Lokonyen thường luyện tập chạy 10 kilômét với đôi chân trần.

Cha mẹ của cô đã quay trở lại quê hương nhưng Lokonyen vẫn ở lại Kenya với lý do: “Điều quan trọng nhất đối với tôi là có thể giúp đỡ gia đình, tiếp sau là những người tị nạn giống tôi”.

Cô sẽ tham gia thi ở hạng mục chạy 800 mét.

7. Yonas Kinde, vận động viên chạy marathon từ Ethiopia.

Ở độ tuổi 36, Kinde là vận động viên lớn tuổi nhất đội tuyển tị nạn. Anh sẽ tham gia thi đấu chạy marathon.

Kinde rời khỏi Ethiopia và sống tại Luxembourg: “Tôi quyết định ra đi vì những bất ổn chính trị, đạo đức, kinh tế. Để có thể trở thành một vận động viên ngay chính quê hương mình cũng là điều rất khó”.

Bắt đầu cuộc sống mới tại Luxembourg, Kinde hành nghề lái taxi và chiến thắng trong một số cuộc chạy thi marathon tại quốc gia này cũng như ở Anh, Đức.

8. Anjelina Nadai Lohalith, vận động viên điền kinh từ Nam Sudan.

Lohalith, tha hương xứ người khi 6 tuổi, kể từ đó, cô cũng không còn cơ hội nhìn thấy cha mẹ mình. Tìm kiếm lại gia đình chính là động lực thôi thúc cô đến với Olympic 2016. Nữ vận động viên 21 tuổi học tập trong trại tị nạn Kakuma, Kenya.

Ngay từ khi học cấp 1, cô đã bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Cô sẽ tranh tài ở hạng mục 1500 mét.

9. Popole Misenga, vận động viên judo từ Cộng hòa Dân chủ Công gô

Năm lên 9, mẹ của Misenga đã bị sát hại trong một cuộc chiến tại quê nhà. 8 ngày sau đó, Misenga được giải cứu khỏi một khu rừng và đưa đến Kinshasha. Anh bén duyên với judo tại trung tâm cho trẻ vô gia cư và nhận ra thể thao có thể giúp anh thay đổi số phận. Chính vì vậy, Misenga rời khỏi Kinshasha và trở thành vận động viên tị nạn tại Brazil.

Anh cho biết: “Tôi muốn trở thành vận động viên trong đội tuyển tị nạn Olympic để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình, tìm kiếm hi vọng cho tất cả người tị nạn và giúp họ xua tan những buồn đau. Tôi muốn cho thế giới biết rằng người tị nạn không gì là không thể làm được”.

Anh sẽ tham dự thi đấu ở hạng mục 90kg dành cho nam.

10. Paulo Amotun Lokoro, vận động viên điền kinh 1500 từ Nam Sudan

Cuộc sống Lokoro vốn êm đềm với công việc chăn nuôi gia súc, tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vì giao tranh xảy ra. Hồi tưởng quá khứ, anh nói: “Chúng tôi chạy trốn trong các bụi rậm, ở lại đó, không có thực phẩm, chúng tôi chỉ ăn trái cây”.

Sau khi hội ngộ với mẹ tại trại tị nạn Kakuma, vận động viên 24 tuổi này biết đến điền kinh.

Anh chia sẻ: “Tôi biết tôi đang đại diện cho người tị nạn chạy trên đường đua Olympic. Tôi phải làm được điều gì đó đặc biệt”.

Nguyễn Nguyễn

Tndependent

Trở lên trên