Bi kịch của người di cư ngoài khơi Hy Lạp
Hơn 100 người đã được cứu sau vụ chìm tàu chở người di cư ngoài khơi bờ biển thị trấn Pylos - Hy Lạp hôm 14-6 nhưng hy vọng đã phai dần đối với hàng trăm người vẫn còn mất tích.
- 21-02-2023Phát hiện cung điện 4.500 năm tuổi: Chìa khóa khám phá nền văn minh quan trọng không kém gì Hy Lạp và Ai Cập cổ đại
- 02-11-2022Tại cảng Piraeus lớn nhất của Hy Lạp, Trung Quốc là ông chủ
- 21-07-2022Giữa "cơn bĩ cực" khí đốt của người Đức, Hy Lạp tìm thấy cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng
Lực lượng cứu hộ Hy Lạp hiện vẫn lùng sục khắp biển Ionia để tìm kiếm thêm người sống sót sau khi Tổ chức Di cư quốc tế ước tính chiếc tàu đánh cá nói trên có thể đã chở đến 750 người trước khi gặp nạn, trong đó có ít nhất 40 trẻ em.
Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp Nikolaos Alexiou nói với đài ERT rằng chiếc tàu dài 20 - 30 m, trên boong chật cứng người và có thể bên trong tàu cũng vậy.
Chiến dịch cứu hộ cho đến giờ đã tìm thấy 78 thi thể nạn nhân trong lúc những người sống sót đang bị tạm giữ ở thị trấn Kalamata. Quyền Bộ trưởng Di cư Hy Lạp Daniel Esdras cho biết những người này sau đó được đưa đến trại Malakasa dành cho người di cư gần thủ đô Athens trong ngày 16-6.
Mohammad (trái) - thanh niên Syria 18 tuổi - được cứu sống trong vụ đắm tàu chở người di cư ngoài khơi Hy Lạp hôm 14-6 . Ảnh: REUTERS
Chính quyền sẽ xem xét yêu cầu xin tị nạn của họ nhưng những người không được phê duyệt sẽ bị trục xuất. Ngoài ra, theo đài Al Jazeera, 9 người đã bị bắt giữ vì bị nghi thuộc đường dây buôn người đã thu xếp chuyến đi, thu của mỗi người hàng ngàn USD.
Hàng ngàn người đã biểu tình tại nhiều thành phố ở Hy Lạp hôm 15-6 để phản đối cách chính quyền xử lý vụ chìm tàu và các chính sách di cư của Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Hy Lạp bị cáo buộc không hành động kịp thời để giải cứu các nạn nhân.
Một tàu bảo vệ bờ biển đã đi theo chiếc tàu chở người di cư trong nhiều giờ và có mặt vào thời điểm nó bị chìm. Giới chức Hy Lạp biện hộ rằng người trên tàu liên tục từ chối đề nghị hỗ trợ và nhất quyết tiếp tục hành trình đến Ý. Theo họ, các đề nghị cứu hộ cũng nhiều lần bị từ chối ngay cả khi tàu gặp nạn.
Phát biểu khi đến thăm người sống sót ở Kalamata hôm 15-6, ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng đối lập chính Syriza ở Hy Lạp, nhận định vụ việc là bằng chứng rõ ràng nhất về thất bại của EU trong việc thúc đẩy chính sách di cư tị nạn đặt tính mạng con người lên hàng đầu.
Theo tuyên bố của Đảng Syriza, ông Tsipras đưa ra chỉ trích trên sau khi trao đổi với Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson về thảm kịch trên. Trước mắt, một phó công tố viên Tòa án Hình sự Tối cao Hy Lạp đã được bổ nhiệm làm người giám sát cuộc điều tra vụ việc.
Người lao động