MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị “lãng quên” suốt từ đầu năm, cổ phiếu bất động sản đang âm thầm dậy sóng

Hiện tại, thanh khoản thị trường khá dồi dào cùng việc mặt bằng P/E tiếp tục tăng lên, VDSC tin rằng dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến những cổ phiếu chưa tăng nhiều.

Mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã công bố báo cáo chiến lược tháng 7/2016. Theo đó, VDSC cho rằng tâm lý lạc quan đang chi phối TTCK Việt Nam sau khi VnIndex lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Do đó, hoạt động chốt lời ngắn hạn sẽ khó có thể ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường.

Tuy vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ không tiến thẳng đến vùng 700 điểm mà cần sự cân bằng quanh mặt bằng giá mới khi những cổ phiếu đã tăng nhiều đối mặt với áp lực chốt lời.

Hiện tại, thanh khoản thị trường khá dồi dào cùng việc mặt bằng P/E tiếp tục tăng lên, VDSC tin rằng dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến những cổ phiếu chưa tăng nhiều.

Có thể thấy, từ đầu năm tới nay, trong khi các nhóm cổ phiếu dầu khí, thép, vật liệu xây dựng, mía đường, dược phẩm, ngân hàng….thi nhau nổi sóng thì các cổ phiếu nhóm bất động sản lại khá im tiếng. Do đó, không quá bất ngờ khi dòng tiền trong những phiên gần đây đang có xu hướng dịch chuyển sang nhóm bất động sản giúp nhiều cổ phiếu tăng phi mã.

Dưới đây là thống kê một số cổ phiếu bất động sản tăng trưởng ấn tượng nhất thị trường kể từ sau phiên giao dịch 24/6 (phiên Brexit) tính tới hết phiên sáng 7/7.

VCG- Vinaconex (tăng 42% lên 18.600đ)

Trong nhóm bất động sản, VCG có lẽ là cổ phiếu tích cực nhất trong 2 tuần vừa qua với mức tăng 74% lên 18.600đ. Quý 1 vừa qua, Vinaconex ghi nhận 116 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 7% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 355,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được thông qua tại ĐHCĐ 2016 thì Vinaconex đã hoàn thành 32,7% kế hoạch năm chỉ sau 1 quý.

Cũng tại ĐHCĐ 2016, ông Đỗ Trọng Quỳnh, TGĐ Vinaconex cho biết: “Năm 2016 sẽ là năm phát triển mạnh trở lại thương hiệu Vinaconex dưới hình thức nhượng quyền cho các đối tác, các công ty liên kết có năng lực thi công xây lắp hoặc dự án bất động sản tiềm năng nhằm vừa tăng nguồn thu về nhượng quyền thương hiệu vừa góp phần khuếch trương trở lại tên tuổi Vinaconex trên thị trường”.


Diễn biến giao dịch VCG trong 1 tháng qua

Diễn biến giao dịch VCG trong 1 tháng qua

HUT- Tasco (tăng 21% lên 12.500đ)

Trong khoảng 4,5 phiên giao dịch gần đây, HUT là một trong những cổ phiếu giao dịch ấn tượng nhất trong nhóm bất động sản, hạ tầng. Tạm dừng phiên giao dịch sáng 7/7, thị giá HUT đạt 12.500đ, tăng 21% so với phiên 24/6- đây cũng là thời điểm diễn ra ĐHCĐ của HUT.

Năm 2016, HUT đặt kế hoạch doanh thu 2.400 tỷ đồng, LNST 380 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 10% và 130% so với năm 2015. Doanh thu của Tasco trong năm 2016 dự chủ yếu đến từ bất động sản như các dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương và các dự án khác…


Diễn biến giao dịch HUT trong 1 tháng qua

Diễn biến giao dịch HUT trong 1 tháng qua

DRH- Dream House (tăng 20% lên 72.500đ)

Đà tăng của DRH kéo dài từ cuối năm 2015 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ tính từ thời điểm Brexit đến hết phiên sáng nay, DRH đã tiếp tục tăng thêm 20% lên 72.500đ.

Năm 2016, công ty lên kế hoạch doanh thu 350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 67,2 tỷ đồng, lần lượt gấp gần 2 lần và 5 lần kết quả kinh doanh năm trước.

Mới đây, DRH đã quyết định mua thêm 1,22 triệu cổ phiếu KSB của CTCP khoáng sản và xây dựng Bình Dương. Sau khi hoàn tất giao dịch, DRH sẽ nắm giữ 4,73 triệu cổ phiếu KSB, tương đương 20,2% vốn điều lệ KSB và biến công ty này trở thành công ty liên kết.


Đà tăng DRH kéo dài từ cuối năm 2015 đến nay vẫn chưa dừng lại

Đà tăng DRH kéo dài từ cuối năm 2015 đến nay vẫn chưa dừng lại

SCR- Sacomreal (tăng 13% lên 11.100đ)

Trong những ngày gần đây, SCR là một trong những cổ phiếu bất động sản “hot” nhất trên thị trường khi liên tục tăng điểm. Tạm dừng phiên giao dịch sáng 7/7, thị giá SCR đạt 11.100đ/cp, tăng 13% so với cách đây gần 2 tuần khi diễn ra sự kiện Brexit.

Năm 2016, Sacomreal đặt kế hoạch doanh thu gần 1.448 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 164,4 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn vốn cho mục đích phát triển, Sacomreal đã lên kế hoạch tìm đối tác chiến lược để phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu thưởng với giá trị phát hành từ 10-20% vốn điều lệ công ty. Ngoài ra, Sacomreal cũng đang có kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ Hnx sang Hose.


SCR tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 7

SCR tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 7

SJS- Sudico (tăng 7,7% lên 25.300đ)

Cũng là cái tên khá nóng trong thời gian gần đây, tạm dừng phiên giao dịch sáng 7/7, SJS dừng tại 25.300đ, tương ứng mức tăng 7,7% so với phiên 24/6.

Năm 2016, Sudico đặt kế hoạch doanh thu 945 tỷ đồng, tăng 12,4%, lợi nhuận đạt 303 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với mức thực hiện năm trước, tỷ lệ chia cổ tức từ 10-15%.

Được biết, sau 5 năm dài bất động, đến nay dự án Nam An Khánh của Sudico đang được triển khai trở lại. Để có tiền tái khởi động dự án này, Sudico đã "cắt đất" Nam An Khánh bán cho các ngân hàng và thu về gần 2.600 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch Sudico cho biết: “Sau khi hạ tầng KĐT Nam An Khánh được hoàn thiện, chúng tôi sẽ tiến hành điều chỉnh giá bán dự án, mức điều chỉnh này sẽ là khá lớn".


SJS tăng mạnh cùng những kỳ vọng từ dự án Nam An Khánh

SJS tăng mạnh cùng những kỳ vọng từ dự án Nam An Khánh

KBC- TCT Phát triển đô thị Kinh Bắc (tăng 7,1% lên 16.600đ)

Nếu nhìn vào mức tăng 7,1% trong 2 tuần vừa qua của KBC thì có lẽ không nhiều nhà đầu tư cảm thấy ấn tượng với con số này. Tuy vậy, cần lưu ý rằng KBC đã có nhịp tăng khá mạnh trước đó. Tính từ đầu năm tới hết phiên giao dịch sáng nay, KBC đã tăng 27% và là một trong những cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực nhất trên thị trường.

Trong quý 1 vừa qua, lãi ròng KBC chỉ đạt 95 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2016, KBC đặt kế hoạch lãi ròng 850 tỷ đồng và kết quả thực hiện trong quý 1 mới chỉ tương đương 11% kế hoạch năm.


Diễn biên giao dịch KBC trong thời gian gần đây

Diễn biên giao dịch KBC trong thời gian gần đây

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo cập nhật đưa ra cách đây ít ngày cũng có nhận định sự phục hồi của ngành bất động sản mang lại nhiều thay đổi cho hầu hết doanh nghiệp cũng như là cơ hội cho các nhà đầu tư vào cổ phiếu bất động sản.

Bước sang 2016 và những năm tới, câu chuyện thị trường bất động sản dự báo cạnh tranh sẽ gay gắt hơn nên chỉ những công ty có chiến lược rõ ràng, tài chính lành mạnh hoặc đang tái cấu trúc thật mạnh mẽ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ thị trường. Trong báo cáo của mình, BVSC đã đưa ra một số đánh giá sơ bộ về 15 công ty bất động lớn đang niêm yết.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên