MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoại hạng Anh - giải bóng đá có doanh thu cao nhất thế giới - kiếm tiền như thế nào?

30-01-2018 - 08:58 AM | Tài chính quốc tế

Bóng đá Anh kém đi thì các câu lạc bộ lại ngày càng giàu lên, bởi sự hâm mộ dành cho họ không hề giảm sút. Tại sao lại như vậy?

Những chiếc xe gắn máy gắn logo của câu lạc bộ bóng đá đến từ nước Anh Manchester United len lỏi trên đường phố Bangkok. Người hâm mộ ở Okene, Nigeria, mặc chiếc áo đỏ trắng nhảy nhót trong ngày Arsenal Day. Giải Ngoại hạng Anh được mua bản quyền phát sóng và truyền hình trực tiếp tại hơn 180 quốc gia, kéo theo những nhóm người hâm mộ các câu lạc bộ có mặt ở khắp nơi trên thế giới. 25 năm kể từ khi ra đời, Ngoại hạng Anh đã trở thành sản phẩm mang về nhiều lợi nhuận nhất trong môn thể thao "vua". Theo số liệu từ Deloitte, các câu lạc bộ của giải Ngoại hạng Anh kiếm được 4,6 tỷ bảng (tương đương 5,8 tỷ USD) trong mùa giải 2015 – 16, gần gấp đôi các giải bóng đá khác.

Điều này càng ấn tượng hơn khi Anh không phải là nước đá bóng giỏi nhất thế giới. ClubElo.com, trang web chấm điểm các đội bóng theo số liệu về những đối thủ mà họ đã đánh bại, tính toán rằng chẳng có câu lạc bộ nào đến từ nước Anh nằm trong top 5. Cách đây 8 năm, Anh góp mặt tới 4 cái tên. Lần cuối cùng 1 câu lạc bộ bóng đá Anh lọt vào trận chung kết cúp C1, giải đấu danh giá nhất châu Âu, là từ năm 2012. Và lần cuối cùng 1 ngôi sao Ngoại hạng Anh lọt vào top 5 trong giải Quả bóng vàng châu Âu cũng là từ năm 2011. Tây Ban Nha, Đức, Italy và Pháp giờ đang thống trị danh sách này.

Thế nhưng bóng đá Anh kém đi thì các câu lạc bộ lại ngày càng giàu lên, bởi sự hâm mộ dành cho họ không hề giảm sút. Tại sao lại như vậy?

Trong công thức thành công của bóng đá Anh có cả yếu tố may mắn và chiến thuật. Tiếng Anh không phải là thứ đảm bảo chắc chắn thành công, nhưng dù sao thì ngôn ngữ chính thống của xứ sở sương mù cũng giúp tạo ra lợi thế nhiều hơn so với Đức hay Italy. Bên cạnh đó múi giờ của châu Âu cho phép những người dậy sớm ở châu Mỹ và các "cú đêm" ở châu Á có thể thuận tiện theo dõi các trận đấu.

Năm 1989, nước Anh rúng động với thảm họa Hillsborough khi một phần khán đài của sân vận động đổ sập và khiến 96 cổ động viên Liverpool thiệt mạng. Sự kiện này khiến tất cả các sân vận động ở Anh đồng loạt dỡ bỏ khu vực khán đài đứng và những quy chuẩn an toàn mới được đưa ra. Trong thập kỷ tiếp theo, các câu lạc bộ đã chi tổng cộng 500 triệu bảng để cải tạo sân bóng, đi kèm với đó là mức giá vé cao hơn và những cổ động viên giàu có hơn. Cùng lúc đó, tiền đổ vào giải Ngoại hạng Anh nhờ 1 thỏa thuận với kênh truyền hình vệ tinh BskyB. Thỏa thuận này cũng làm tăng giá gấp 3 mức phí mà kênh trước đó là ITV phải trả.

Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất nằm ở việc giải Ngoại hạng Anh được mở cửa cho các cầu thủ, nhà quản lý và các ông chủ nước ngoài tham gia. Khi Arsène Wenger trở thành huấn luyện viên của Arsenal năm 1996, ông là người thứ 4 không đến từ Anh và Ireland trở thành người dẫn dắt một đội bóng Anh trong lịch sử bóng đá nước này. Ngày nay con số đã tăng lên 13. Và kể từ khi trận đấu đầu tiên được tổ chức năm 1992, số cầu thủ ngoại đã tăng từ 13 người lên tỷ lệ 69%.

Việc các ngôi sao bóng đá quốc tế hội tụ ở đây càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của giải đấu. Người Hàn Quốc bật tivi lên để xem Heung-Min Son của Tottenham Hotspur thi đấu, trong khi người Senegal dõi theo Sadio Mané của Liverpool. Sau khi tỷ phú người Nga Roman Abramovich mua Chelsea năm 2003, giải Ngoại hạng Anh trở thành sân chơi cho các tỷ phú nước ngoài. Tổng cộng họ đang nắm cổ phần ở 12 câu lạc bộ, trong đó có cả những đội nhỏ như West Bromwich Albion và Swansea City.

Các câu lạc bộ bóng đá Anh cũng nhanh nhạy hơn người khác trong việc quảng bá hình ảnh ở nước ngoài. Manchester United bắt đầu thực hiện những chuyến du đấu ở châu Á từ năm 1995, trong khi đến tận năm 2003 đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha Real Madrid mới làm như vậy. Mùa hè năm ngoái, các đội bóng Anh trở thành tâm điểm chú ý ở nhiều thành phố trên khắp thế giới từ Houston đến Hồng Kông. Họ cũng mở rộng hoạt động ở khắp mọi nơi. Manchester City sở hữu một số câu lạc bộ ở New York, Melbourne, Yokohama and Montevideo.

Giải Ngoại hạng Anh có một vài đặc điểm khiến tiêu chuẩn bị hạ xuống nhưng lại làm cho người hâm mộ cảm thấy thích thú hơn khi xem bóng. Các đội cùng nhau thỏa thuận về quảng cáo và giải đấu này cũng kịch tính hơn các giải khác, không giống như Real Madrid, Juventus và Bayern Munich áp đảo và chiếm lấy phần lớn lợi nhuận ở Tây Ban Nha. Năm 2016, trong khi Đức, Pháp và Italy có mùa giải thứ 4 liên tiếp không thay đổi nhà vô địch, Leicester tạo thành 1 cơn địa chấn khi bất ngờ đoạt cúp dù là 1 đội bóng "con nhà nghèo".

Trong khi các đội bóng châu Âu rót tiền phát triển lứa cầu thủ trẻ, các câu lạc bộ ở Anh phô trương những ngôi sao lớn tuổi mà sự nổi tiếng chứ không hẳn là sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Thương vụ Manchester United bỏ ra số tiền kỷ lục 59,7 triệu bảng mua Ángel Di María để rồi cuối cùng ngôi sao sáng giá phải ra đi chỉ sau 1 mùa giải vì không phù hợp là 1 ví dụ. Bên cạnh đó là những huấn luyện viên được thuê với giá trên trời nhưng sau đó lại bị sa thải trong nháy mắt, tạo thành những sự kiện kịch tính.

Câu chuyện thành công của bóng đá Anh liệu có thể tiếp tục duy trì sau sự kiện Brexit? Việc đồng bảng giảm giá mạnh khiến chi phí thuê cầu thủ ngoại tăng cao. Nhưng vì nguồn doanh thu của nhiều câu lạc bộ cũng là đồng ngoại tệ, những tác động tiêu cực từ đồng bảng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thay vào đó mối lo ngại lớn hơn nằm ở chính sách nhập cư. Sau Brexit thì các cầu thủ châu Âu có thể bị siết chặt quản lý hơn. N’Golo Kanté, cầu thủ trẻ người Pháp đã góp công lớn giúp Leicester vô địch năm ngoái có thể gặp khó khăn về giấy phép.

Ngoài ra, mặc dù các câu lạc bộ bóng đá Anh có tiền để mua cầu thủ ngoại, họ vẫn chưa thể giành được các danh hiệu lớn. Những ngôi sao như Robert Lewandowski biết rằng có rất nhiều khả năng mình sẽ được vinh danh nếu ký hợp đồng với Bayern Munich, còn đá ở Manchester thì cơ hội không có nhiều như vậy. Chính điều này khiến giải Ngoại hạng Anh mất đi một số cầu thủ tốt nhất như Luis Suárez và Gareth Bale.

Ở thời điểm hiện tại, chiến lược marketing khôn khéo và 1 giải đấu hấp dẫn với nhiều kịch tính đã đủ để giữ thế giới gắn chặt với bóng đá Anh. Tuy nhiên về lâu dài thì giải đấu sẽ mất dần sức hấp dẫn nếu như không thể thu hút những ngôi sao lớn. Các câu lạc bộ bóng đá Anh cần phải đá bóng giỏi hơn nữa.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên