'Bí quyết' lọt tốp đầu PCI
Để giành được vị trí nhóm dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chính quyền các địa phương cần chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo, thiết lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.
- 22-04-2023Hà Nội thu hút vốn FDI tăng đột phá đạt 1,71 tỷ USD, đứng đầu cả nước 4 tháng đầu năm 2023
- 22-04-2023Không phải Bắc Ninh, Bắc Giang, một địa phương vừa được "ông lớn" Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất máy tính
- 22-04-2023Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về ô tô điện, thiết bị điện tử và gia dụng
Không ngừng cải cách
Chỉ số PCI 2022 được công bố mới đây đã thể hiện chính quyền cấp tỉnh nhiều địa phương hợp tác, hỗ trợ hiệu quả với doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch COVID-19 và lan tỏa nhiều mô hình cải cách kinh tế bứt tốc của các địa phương top đầu.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI và là địa phương duy nhất trong cả nước 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân, 10 năm liền nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, chỉ số PCI của tỉnh cho thấy lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) để hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh Quản Ninh đi đầu xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã theo nguyên tắc “5 tại chỗ”:Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay tại Trung tâm hành chính công. Tỉnh đang tiến tới thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo “5 bước trên môi trường điện tử”: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả trực tuyến.
Xếp sau Quảng Ninh trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang, kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho hay, tỉnh luôn cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh đối với một số lĩnh vực cụ thể; đồng thời, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn; các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng có nhiều hành động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Chia sẻ về bí quyết giữvững vị trí trong top 10 PCI cả nước, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, Bắc Ninh đã tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Hiện nay, các doanh nghiệp không phải làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn về thành lập doanh nghiệp, 100% được thành lập qua môi trường số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với lãnh đạo tỉnh thông qua tổ phản ứng nhanh...
Ưu tiên yếu tố con người
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, chỉ số PCI được công bố là những “con số biết nói”, trở thành động lực thúc đẩy chuyển đổi số, nguồn nhân lực của tỉnh. Đó là chính sách thu hút, lựa chọn đúng người, đúng việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, mạnh dạn bố trí, sử dụng ở các vị trí nêu gương, “đứng mũi chịu sào” trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm 2022.
Tỉnh Quảng Ninh thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sútuy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nhiều nguồn lực xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đã qua đào tạo cho các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Lê Ánh Dương nhận định, để duy trì và phấn đấu lọt tốp dẫn đầu PCI, yếu tố cốt lõi vẫn là vấn đề con người. Việc nâng cao nhận thức phải từ hai phía. Với bộ máy công quyền phải nhận thức được trách nhiệm, vinh dự, tự hào góp sức vào sự phát triển chung để nỗ lực không ngừng. Với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nâng cao nhận thức để cùng với chính quyền chung tay cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để đảm bảo tất cả quy trình, quá trình hoạt động trong môi trường kinh doanh được minh bạch, có sự kiểm soát, kiểm chứng. Bằng cách này, việc giải quyết các công việc mới bảo đảm nhanh chóng, an toàn, chính xác, tránh được tiêu cực”, ông Lê Ánh Dương khẳng định.
Báo Tin tức