Bí thư Phú Quốc: Muốn lập lại trật tự xây dựng phải xử lý ngay từ viên gạch đầu tiên
Bí thư Thành uỷ Phú Quốc (Kiên Giang) thừa nhận, địa phương đang khó khăn trong việc lập lại trật tự xây dựng, đặc biệt với lĩnh vực đất đai. Nếu phát hiện trường hợp bao chiếm đất rừng, đất nhà nước phải xử lý ngay từ cây cột, viên gạch đầu tiên…
Ngày 5/7, Tỉnh uỷ Kiên Giang tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024.
Lập lại trật tự đất đai ở Phú Quốc
Ông Lê Quốc Anh – Bí thư Thành uỷ Phú Quốc cho biết, Thành phố đang gặp khó khăn trong việc lập lại trật tự xây dựng, đặc biệt với lĩnh vực đất đai, dù các bí thư, chủ tịch cố gắng, kiên quyết xử lý các vấn đề vi phạm.
“Tuy nhiên, mình đập 1 nhà sai phép thì người ta xây thêm 10 nhà nữa. Như vậy luỹ kế 1 - 2 nhiệm kỳ số vi phạm nhiều, tới nay rất khó xử lý, không phải 1 - 2 ngày có thể lập lại trật tự xây dựng, đất đai ngay được. Khi có Nghị quyết 02 về trật tự xây dựng, Chỉ thị 03 về giữ đất rừng, bảo vệ đất rừng thì rút ra mấy việc cần phải thay đổi", ông Quốc Anh nói.
Theo ông Quốc Anh, phải thay đổi từ Ban Chấp hành, Ban thường vụ Thành uỷ Phú Quốc, khi phát hiện vi phạm phải "cưỡng chế nóng". Tức ngay khi phát hiện vi phạm phải buộc phá dỡ, di dời công trình vi phạm khỏi đất nhà nước, đất rừng. Cưỡng chế ngay từ viên gạch, cây cột đầu tiên.
Cùng với giải pháp tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm để thay đổi nhận thức, Thành phố cũng cần sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng ngành tư pháp để thẩm định, xử lý vi phạm.
Bí thư Phú Quốc cũng đề xuất, Tỉnh ủy Kiên Giang nên có nghị quyết rà soát lại tất cả các hợp đồng giao khoán rừng trên toàn tỉnh, trong đó có Phú Quốc. Đây là vấn đề phức tạp từ nhiều năm. Việc rà soát nếu phát hiện có tình trạng biến tướng thì xử lý, không để kéo dài.
Theo chủ trương của Chính phủ, tới đây sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho tất cả địa phương, trong đó có Phú Quốc. Theo ông Quốc Anh, việc cấp giấy lần đầu sẽ gặp khó trong vấn đề thẩm định lại nguồn gốc đất.
“ Có người gặp, thậm chí nhờ trung ương gọi cho tôi nói đất do ông bà khai khẩn khoảng 14ha. Tôi nói rằng nếu như đúng luật, khai khẩn thiệt thì đồng ý. Nhưng nếu hồ sơ này có vấn đề gì trái luật, tôi chuyển sang cơ quan điều tra. Khi tôi nói vậy, người này rút hồ sơ bỏ đi”, ông Quốc Anh nói.
Đối với việc cấp sổ đỏ lần đầu, Phú Quốc thực hiện sát sao nếu không sẽ mất cán bộ, mất tài sản và mất niềm tin của nhân dân.
Khắc phục tồn tại, hạn chế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang - Mai Văn Huỳnh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương cần phải khắc phục những những hạn chế còn tồn tại.
Đó là, sản lượng thuỷ sản, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra; tàu cá vi phạm IUU còn cao; xây dựng xã nông thôn mới còn chậm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm. Việc mua sắm đầu thầu thuốc , trang thiết bị, vật tư y tế dù được quan tâm nhưng chuyển biến chưa nhiều, còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ.
Ông Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, nhiệm vụ của năm 2024 còn lại khá nhiều và rất quan trọng. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các sở ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao nhất trong hành động, để lãnh chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
“6 tháng cuối năm, tôi đề nghị các cấp, các ngành, nhất là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, quyết liệt với nhiệm vụ được giao. Hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Trong nửa đầu năm 2024, đa số các nhiệm vụ của tỉnh Kiên Giang đều cơ bản đảm bảo. Có 18/20 chỉ tiêu thực hiện vượt và đạt từ 50% trở lên. Đặc biệt, kinh tế của tỉnh tăng trưởng đạt hơn 6,8%, vượt 0,14% so nghị quyết (nghị quyết đề ra 6,7%).
Tiền phong