MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Thành uỷ TP HCM: Nhiều người gọi tôi hỏi "có làm ăn gì không mà đi huy động vốn, mượn tiền?"

02-08-2024 - 17:05 PM | Kinh tế số

Bí thư Thành uỷ TP HCM: Nhiều người gọi tôi hỏi "có làm ăn gì không mà đi huy động vốn, mượn tiền?"

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết nhận được phản ánh về việc kẻ xấu mạo danh ông gọi điện thoại mượn tiền, huy động vốn. Ông cho biết, ngay cả ông và nhiều lãnh đạo đầu ngành cũng bị mạo danh để mượn tiền.

Sáng ngày 1/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, Trưởng ban Chỉ đạo Cải tạo tư pháp TPHCM, chủ trì hội nghị sơ kết công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. 

Đề cập về thực trạng tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao, đang phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, ông Nguyễn Văn Nên cho biết không biết chỉ người dân mà chính cán bộ, lãnh đạo trong hệ thống chính trị cũng bị. Tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều, "ngày nào cũng có thông tin người này người kia bị lừa tiền". 

"Hôm trước tôi đi họp ngoài Hà Nội, có một cán bộ cao cấp nói nhận được điện thoại mượn tiền. Nghe tiếng rất giống tôi nhưng số điện thoại không phải của tôi. Sau khi kiểm tra lại thì đó là số của một người khác", ông Nên chia sẻ lại câu chuyện, thêm rằng "nhiều người cũng gọi tôi hỏi "có làm ăn gì không mà đi huy động vốn, mượn tiền". 

Ngoài ra, một số cán bộ Thành uỷ, đứng đầu các cơ quan ở thành phố cũng bị dựng lên câu chuyện để tống tiền. Hay lãnh đạo các cấp, tòa án, công an, VKS... đều có thể bị lợi dụng hình ảnh để lắp ghép đi lừa đảo. 

Ông Nên nhận định, các loại tội phạm nhất là tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng phức tạp. Vấn nạn này cũng ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, gây hoang mang, lo lắng không chỉ với người dân mà cả hệ thống chính trị. 

Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, ngành công an và các lực lượng hiện nay đã rất tập trung ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng này. Dù vậy, việc đẩy lùi loại tội phạm này rất cần sự hỗ trợ tích cực của người dân, nhất là phải nâng cao ý thức cảnh giác cao của người dân thì mới không sập bẫy.

photo-1722590950557

Bí thư Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị sơ kết cải cách tư pháp, ngày 1/8.

Trước đó, vào tháng 9/2023 TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 14 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền 660 triệu đồng 1 bị cáo đã giả danh “Bí thư Tỉnh ủy”, "Bộ trưởng" khiến nhiều Giám đốc cả tin sập bẫy.

Cụ thể, ông Vương Thanh Lộc đã gọi điện cho ông A. (Giám đốc doanh nghiệp) nhập vai "Bí thư" chủ động làm quen, kết thân với giám đốc doanh nghiệp. Sau đó, ông nói mẹ mình bị bệnh tim, cần tiền phẫu thuật. Ông A. cảm động và chuyển 310 triệu đồng. Lộc còn cho người giả vai "tài xế Bí thư" nhận 40 triệu đồng trực tiếp.

Sau đó, Lộc giả danh "Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường", hứa giới thiệu ông A. và nói vợ mình đang điều trị bệnh tại Singapore, cần tiền. Ông A. tiếp tục chuyển 350 triệu đồng. Tổng số tiền Lộc lừa lên đến 660 triệu đồng. 

Chiêu trò của Lộc bị phát giác và ông A. tố cáo. Lộc bị bắt và TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm, phạt 14 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tại hội nghị lần thứ 31 Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, trung tướng Lê Hồng Nam (Giám đốc Công an TP HCM) cho biết tội phạm lừa đảo qua mạng đang ngày càng tràn lan. Tuy nhiên, tỷ lệ khám phá các vụ án này còn thấp, chỉ 20% và tiền thu hồi được không nhiều do dòng tiền đã luân chuyển qua nhiều tài khoản và đưa ra khỏi Việt Nam. 

Do đó, Công an TP HCM đang triển khai, xây dựng app an ninh trật tự cài trên điện thoại của người dân. Ứng dụng này sẽ cung cấp thông tin cho người dùng, giúp họ nhận diện các hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, Mục tiêu để người dân có ý thức đề phòng như không tương tác, không cung cấp thông tin, nhờ người dân giúp đỡ và báo công an ngay nếu nghi ngờ. 

Khánh Linh

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên