Bí thư TPHCM: 200km đường sắt đô thị còn lại phải làm theo cách khác
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, việc huy động nguồn lực, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách... phải đổi mới để làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian và hiệu quả công việc.
- 11-06-2024Rà soát kỹ quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc
- 11-06-2024Xem xét quy định về điều kiện, thời điểm thu phí đường cao tốc
- 10-06-2024Diện mạo 2 địa phương biên giới sắp sáp nhập để trở thành “siêu thành phố” rộng gần bằng Đà Nẵng: Có cửa khẩu, đường cao tốc, dự án tỷ USD
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ điều này tại phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 31 (mở rộng) sáng 13/6. Đây là những vấn đề trọng tâm được hội nghị đưa ra thảo luận sâu trước khi trình cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, với Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) TPHCM, nhiều chuyên gia nói rằng TPHCM mà không có hệ thống ĐSĐT hoàn chỉnh là bất ổn. Do vậy thành phố quyết tâm để không rơi vào tình trạng đó.
Ông Nên nêu rõ, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó đặt ra những nhiệm vụ rất quan trọng để triển khai thực hiện.
Theo đó, đến năm 2030, tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến ĐSĐT có nhu cầu vận tải lớn.
Đối với TPHCM, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt hệ thống ĐSĐT gồm 8 tuyến với tổng chiều dài là 220km. Đến nay, qua gần 20 năm chúng ta đã nỗ lực quyết tâm thực hiện gần 20km.
Dù nỗ lực quyết tâm nhưng tuyến ĐSĐT số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đến nay mới hoàn thiện hơn 96% và đang cố gắng giai đoạn cuối để có thể vận hành sau nhiều lần lỡ hẹn.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, với 200km ĐSĐT còn lại phải làm theo cách khác.
“Từ huy động nguồn lực, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách, mọi thứ phải đổi mới để làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian và hiệu quả công việc”, ông Nên đề nghị.
Thông tin thêm, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết hiện tại tuyến ĐSĐT số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đang tiến hành giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Các tuyến khác cũng bắt đầu các công việc chuẩn bị với điều kiện và thời gian nhanh nhất có thể.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có đột phá trong thực hiện. Do đó, ông Nên cho rằng trong chuẩn bị cho nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XII tới phải nói đến yếu tố “đột phá” về việc này.
Thảo luận về đề án hệ thống ĐSĐT của TPHCM trong phát biểu thảo luận sau đó, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho hay, với thời gian còn lại, thành phố sẽ triển khai dựa trên việc rút kinh nghiệm từ các tuyến, hệ thống cao tốc trong cả nước... Riêng TPHCM đã có Nghị quyết 98 giúp tháo gỡ nhiều việc bằng một loạt các cơ chế để phát triển hệ thống ĐSĐT.
Về tổng thể hệ thống ĐSĐT, ông Lâm cho biết hiện nay đã có sản phẩm ban đầu dựa trên dự báo nguồn lực đưa các tuyến vào quy hoạch thành phố. Bước tiếp theo sẽ hoàn thiện đề án để tháng 6 này báo cáo Chính phủ và đến quý III sẽ báo cáo Bộ Chính trị.
“Phấn đấu cuối năm nay Quốc hội sẽ thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc phát triển hệ thống đường sắt này để năm sau bắt tay vào công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện”, ông Lâm thông tin.
Tiền phong