BIDV và khó khăn tứ bề trong năm 2019
Triển vọng của ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào việc phát hành riêng lẻ. Trong lúc đó, NIM quý 1 đã có dấu hiệu giảm, ngân hàng đang gặp nhiều áp lực về huy động vốn. Chưa kể, áp lực từ trích lập dự phòng và chi phí cho nhân sự và đầu tư công nghệ,...
- 22-05-2019NHNN đề xuất sử dụng ngân sách để tăng vốn VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank
- 30-04-2019Tiền gửi của khách hàng ở BIDV vượt 1 triệu tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng đột biến
- 26-04-2019Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú: Quá trình bán vốn cho KEB Hana Bank là... một câu chuyện dài
Trong báo cáo cập nhật mới đây, các nhà phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá triển vọng của ngân hàng BIDV tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược là KEB Hana Bank. Nếu phát hành thành công, áp lực vốn sẽ được giải tỏa và năng lực cạnh tranh của BID trong mảng ngân hàng bán lẻ, SME và FDI kỳ vọng sẽ được cải thiện, hỗ trợ cho định hướng chiến lược mà ngân hàng đang đặt ra cho giai đoạn này.
Tuy nhiên, cho đến nay thương vụ phát hành vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về giá và thủ tục. Năm nay NHNN đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét việc sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh, như chia cổ tức cổ phiếu và giữ lại lợi nhuận. Đối với trường hợp của BIDV thì việc hoàn tất thương vụ phát hành chiến lược, vốn được phê duyệt chủ trương từ tháng 10/2018, vẫn là ưu tiên hàng đầu.
VDSC nhận định rằng tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ chỉ đạt mức khiêm tốn so với năm 2018 khi phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Trước hết, năm 2019, BIDV đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 12%, thấp hơn một chút so với mức 14% của năm ngoái. Tuy nhiên, VDSC cho rằng, việc duy trì NIM ở mức hiện tại sẽ có khó khăn do cả lợi suất tài sản và chi phí vốn đều gặp áp lực. Do đó, tăng trưởng thu nhập lãi dự báo sẽ ở mức thấp.
Cụ thể, cuối tháng 3/2019, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt 1.024 nghìn tỷ, tăng 3,6% so với đầu năm trong khi tổng huy động đạt 1.057 tỷ, tăng 2,7% so với đầu năm. VDSC ước tính NIM trượt 12 tháng của BIDV đã giảm còn 2,8% vào quý 1/2019 so với mức 2,9% của cả năm 2018, do lợi tức tài sản giảm nhẹ và chi phí vốn tăng nhẹ. Theo đó, thu nhập lãi thuần của BIDV giảm 6,8% so với cùng kỳ, đạt 8.545 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng niêm yết duy nhất có tăng trưởng thu nhập lãi âm trong quý 1 vừa rồi.
Nhóm phân tích cũng nhận thấy, BIDV đang gặp nhiều áp lực về huy động vốn. Cuối quý 1, trong khi các loại giấy tờ có giá khác không đổi, chứng chỉ tiền gửi tăng 19,4% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm. CASA giảm còn 14,4% từ 17,0% vào quý 1/2018 và 16,4% vào cuối 2018.
Ngoài ra, VDSC cũng cho rằng các khoản thu nhập ngoài lãi khác của BIDV cũng khó có tăng trưởng đột biến so với năm trước. Thêm vào đó, chi phí hoạt động cũng được dự báo tăng nhanh do cả các chi phí về nhân sự và đầu tư công nghệ, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục là gánh nặng khi chất lượng tài sản nội bảng vẫn còn đáng ngại và ngân hàng có mục tiêu tất toán hết VAMC trong năm nay.
Chất lượng tài sản nội bảng vẫn còn đáng chú ý với tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức 1,7% (so với 1,6% của quý 1/2018) và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 70,2% (so với mức 80,7% của quý 1/2018). Theo BIDV, sau khi kiểm toán BCTC, một số khoản nợ đã được yêu cầu chuyển từ nhóm 2 sang nhóm 3 và 4 khiến nợ nhóm 2 giảm còn tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
Trong quý 1 ngân hàng đã xóa nợ 4,9 nghìn tỷ, giảm so với 7,8 nghìn tỷ của quý 1 năm ngoái. Chi phí dự phòng giảm 13,7% so với cùng kỳ, chiếm 48,5% tổng thu nhập hoạt động và 67,3% lợi nhuận thuần trước dự phòng của BIDV. Tuy nhiên, trong khi chi phí dự phòng quý 1 năm ngoái chiếm tới 2/3 chi phí dự phòng cả năm thì chi phí dự phòng quý 1 năm nay mới chiếm 1/4 kế hoạch 20.200 tỷ (tăng 8,1% so với năm 2018, nhằm tất toán hết lượng trái phiếu VAMC còn lại trong năm 2019). Do đó, chi phí dự phòng cho 3 quý cuối năm dự đoán sẽ tăng nhanh hơn và ảnh hưởng nhiều hơn đến tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ.
Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu LNTT hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng (tăng 8,7% so với năm 2018). Trong đó, kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt 9.800 tỷ đồng (tăng 9,9% so với năm 2018). Mục tiêu tín dụng cả năm tăng 12% (cũng là hạn mức được NHNN cấp đầu năm) bằng việc tập trung vào cho vay bán lẻ, doanh nghiệp SME và FDI.
BIDV đặt ra kế hoạch tăng vốn từ 34.187 tỷ đồng lên 43.728 tỷ đồng trong năm 2019 (tăng 27.9%). Trong đó, việc phát hành chiến lược đã được phê duyệt từ tháng 10/2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được do mức giá còn cao so với kỳ vọng của đối tác là Keb Hana Bank.
Trí Thức Trẻ