MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến chứng gây tổn thương thần kinh trung ương do thói quen ăn uống, sinh hoạt - Rất nhiều người chủ quan!

24-09-2023 - 11:54 AM | Sống

Biến chứng gây tổn thương thần kinh trung ương do thói quen ăn uống, sinh hoạt - Rất nhiều người chủ quan!

Nếu nhiễm giun sán, người bệnh có thể bị tổn thương thần kinh trung ương.

Theo thống kê của Bộ y Tế trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 60 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 860 người mắc và 12 người tử vong. Những vụ ngộ độc quy mô lớn gần đây như vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Phượng ở Hội An hay chùm ca ngộ độc do ăn cá ủ chua tại Quảng Nam. Sự việc cho thấy ngộ độc thực phẩm là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. 

Vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm có thể là vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Mặc dù ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng không xảy ra nhiều, quy mô lớn như do vi khuẩn, virus gây ra, nhưng chúng thường gây bệnh lâu dài, tổn thương nhiều cơ quan và để lại di chứng về sau. 

 Ký sinh trùng là những sinh vật sống trên hoặc trong cơ thể vật chủ, trong đó có con người. Giun sán là nhóm ký sinh trùng thường gây bệnh tại các nước đang phát triển do liên quan đến môi trường sống thường xuyên tiếp xúc với đất cát hoặc các vật nuôi như chó, mèo, lợn…; do điều kiện vệ sinh kém cùng thói quen ăn uống phổ biến với rau sống, các món gỏi, nem chạo, tiết canh, thịt tái,… Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ nhiễm các bệnh lý liên quan đến giun sán cao với một số loại thường gặp như sán dây lợn, sán lá gan, giun đũa, giun móc,…

Các loại ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể người theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể đến cư trú và gây tổn hại cho nhiều cơ quan như gan, phổi, đường tiêu hóa,… Nguy hiểm nhất là gây tổn thương thần kinh trung ương (não và tủy sống). Bệnh tiến triển âm thầm, thường gây tàn phế về sau hoặc tử vong trong trường hợp nặng. 

Các tổn thương não thường khó phát hiện ban đầu vì các triệu chứng dễ gây nhầm lần với các bệnh lý khác như u não, đột quỵ não, rối loạn tâm thần,... Chúng thường được nghĩ tới khi đã loại trừ các bệnh lý khác hoặc khi chụp CT (cắt lớp vi tính) sọ não hoặc chụp MRI (cộng hưởng từ) sọ não có hình ảnh gợi ý ổ tổn thương do ký sinh trùng.

Do vậy, hiểu biết về một số loại giun sán gây bệnh thường gặp là cần thiết để kịp thời phát hiện và chủ động phòng tránh. Một số loại giun sán hay gặp gồm:

1. Bệnh ấu trùng giun sán lợn thần kinh có tên khoa học Taenia solium 

Đây là bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương do ký sinh trùng thường gặp nhất.

Ấu trùng sán dây lợn có trong thức ăn gồm các loại thực phẩm như rau sống, nước uống,… hoặc trong thịt của những con lợn bị nhiễm sán mà chưa được nấu chín. Ấu trùng sán qua đường miệng đi vào ruột và phát triển thành sán dây sống trong ruột, qua đường máu đến các mô cơ quan khác như não, da, cơ phát triển thành nang sán. 

Căn bệnh gây tổn thương thần kinh trung ương do thói quen ăn uống, sinh hoạt - Rất nhiều người chủ quan! - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Nang sán trong nhu mô não ít khi gây triệu chứng nhưng khi chết đi, nó kích hoạt các phản ứng viêm cục bộ và gây các biểu hiện như: co giật (thường gặp nhất), đau đầu, nhìn mờ, nhìn đôi hoặc giảm thị lực, suy giảm nhận thức trở lên lú lẫn, hay quên, rối loạn tâm thần,... 

Có những trường hợp bệnh nhân lầm tưởng bị rối loạn tâm thần, nhưng khi đi khám mới phát hiện bị nhiễm sán dây lợn. Ấu trùng thường chết sau 5-7 năm cư trú trong não. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tử vong do viêm não, viêm màng não, co giật,… 

 2. Bệnh nhiễm giun đũa chó có tên khoa học Toxocara canis

Bệnh thường gặp ở những gia đình có nuôi chó, mèo mà điều kiện vệ sinh kém, không đảm bảo. 

Toxocara canis ký sinh trong ruột chó, mèo. Chúng đẻ trứng và thải ra môi trường bên ngoài qua đường phân. Trứng phát triển trong môi trường đất từ 2-3 tuần và có thể sống bên ngoài 2 năm. Trứng giun bay vào thức ăn, nước uống hoặc sau khi tay tiếp xúc với chó, mèo mà không được vệ sinh, cho vào miệng. Khi trứng vào ruột người trở thành ấu trùng, theo máu đến các cơ quan và gây bệnh cho não, mắt, gan, phổi,… Khi đến não, chúng gây ra các cơn co giật, động kinh không rõ nguyên nhân, đau đầu, cứng cổ, nôn ói nếu có viêm màng não,…

 3. Bệnh não do nhiễm giun mạch có tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis

Bệnh thường gặp ở khu vực Đông Nam Á. Bệnh mắc phải do ăn ốc nước ngọt chưa nấu chín hoặc ăn sống các loại rau xanh nhiễm ấu trùng trong chất nhờn của các con ốc, con sên. Ấu trùng di chuyển lên não qua đường máu gây đau đầu, buồn nôn, cứng cổ,… Hiện tại chưa có phương pháp điều trị cụ thể và chúng thường tự khỏi sau 2-8 tuần. 

 4. Bệnh não do nhiễm giun đầu gai tên khoa học là Gnathostoma

Do ăn phải các loại cá nước ngọt, ốc, lươn, ếch, chim, bò sát hoặc nước có chứa ấu trùng giun mà chưa được nấu chín. Bệnh có thể gây tử vong 8-25% hoặc để lại di chứng kéo dài, khoảng 30% liên quan đến hệ thần kinh.  

5. Bệnh não do sán dây Echinococus

Người nhiễm bệnh do tiếp xúc với phân chó, gia súc, lợn hoặc khi ăn các thực phẩm (rau sống, nước) bị nhiễm trứng sán. Ấu trùng sán vào cơ thể và phát triển thành nang san, gây chèn ép cơ quan khác. 

Trong não, chúng gây co giật, tăng áp lực nội sọ. Ở tủy sống, nang sán gây chèn ép và tê liệt tủy sống… 

Để chẩn đoán sớm nhóm bệnh lý này, bạn cần nắm được các nguyên nhân ký sinh trùng khi có dấu hiệu sau: 

- Đau đầu theo cơn thường xuyên, cơn đau dữ dội kèm nôn mửa, cứng cổ, dùng thuốc giảm đau thông thường không đỡ hoặc đỡ ít.  

- Co giật không rõ nguyên nhân hoặc có cơn động kinh do các ổ ký sinh trùng trên não kích thích vỏ não phát ra các xung động bất thường.  

- Ảnh hưởng thần kinh như: giảm trí nhớ, kém tập trung hoặc thay đổi tính cách. Người bệnh có thể trở nên dễ kích động, hung hăng, cáu gắt vô cớ khác thường,… 

Ngoài ra, người bệnh có thể có các biểu hiện khác đi kèm như: chán ăn, đau bụng, khó tiêu, sụt cân, ngứa ngoài da hoặc có u cục trên da, sốt kéo dài, ho kéo dài,…

Kèm theo yếu tố dịch tễ như: sống và làm việc ở vùng nông thôn, công việc thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ mắc bệnh như nông dân, người chăn nuôi gia súc, làm ở các lò mổ gia súc, người bán thịt,… hoặc thói quen ăn đồ sống như gỏi, tiết canh, nem sống,… hoặc đi du lịch đến vùng có ký sinh trùng đó lưu hành.

Căn bệnh gây tổn thương thần kinh trung ương do thói quen ăn uống, sinh hoạt - Rất nhiều người chủ quan! - Ảnh 2.

Thói quen sinh hoạt có thể dẫn tới việc mắc bệnh lý liên quan đến ký sinh trùng. (Ảnh minh họa)

Để phòng ngừa mắc các bệnh lý liên quan đến ký sinh trùng cần: 

- Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ. Khi làm các công việc liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cần có đồ bảo hộ như găng tay, giày, ủng,…  

- Sử dụng nguồn nước và các loại thực phẩm an toàn, được nấu chín, hạn chế tối đa ăn đồ tươi sống. 

- Khi nuôi chó mèo trong nhà cần: vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, hướng dẫn chúng đi vệ sinh đúng nơi, tiêm phòng bệnh giun sán, không cho chó mèo ăn thịt sống. 

- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với đất, cát, thú cưng trong nhà, đặc biệt là trẻ em.  

- Uống thuốc tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần.  

- Kiểm tra sức khỏe ngay tại cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh. 

Theo BS Phạm Hằng

Phụ nữ số

Trở lên trên