Biến đổi khí hậu đã tác động tới Việt Nam như thế nào?
Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đặc biệt là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.
- 14-06-2016Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu
- 12-06-2016WB dành 310 triệu USD giúp Việt Nam chống chọi với biến đổi khí hậu
- 26-03-2016Hơn 1 triệu người thiếu nước đón tin vui khi Liên Hợp quốc hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu
Thực tế tại Việt Nam, BĐKH đã và đang gây ra rất nhiều sự thay đổi như nhiệt độ trung bình năm tăng 0.5oC trong vòng 70 năm; số lượng các đợt không khí lạnh giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ; hình thái bão thay đổi và bão với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hay mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm trong vòng 50 năm…
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đợt rét từ ngày 22-28/01/2016 tại miền Bắc khiến 9.409 con gia súc bị chết; 9.453 ha diện tích lúa, 8.472 ha diện tích mạ, 16.149 ha diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại, 150.000 ha diện tích rừng hiện có bị ảnh hưởng.
Trong đợt lạnh này, tuyết không chỉ phủ trắng các tỉnh miền núi giáp biên giới phía Bắc, mà còn xuất hiện ở Hà Nội, Nghệ An. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam.
Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tính đến hết tháng 4/2016 là 9.020 tỷ đồng. Hạn hán và xâm nhập mặn còn khiến 475.000 hộ dân tại các khu vực trên bị thiếu nước sinh hoạt; 248.000 ha lúa, 129.000 ha cây công nghiệp, 50.000 ha cây ăn quả, 19.000 ha hoa màu, 5.000 ha thủy sản bị thiệt hại. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu.
Ngoài ra, BĐKH còn ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, gây ra nguy cơ như cháy rừng, thiệt hại tài nguyên, tăng lượng phát thải khí nhà kính; tác động tới sức chịu tải, độ bền, độ an toàn của cơ sở hạ tầng; ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất, làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Báo cáo tháng 10/2015 của Ủy ban liên quốc gia về BĐKH (10/2015) khẳng định, thông qua hậu quả của các dạng thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán), BĐKH có thể gián tiếp gây ra tử vong và bệnh tật cho người dân. Cụ thể là ở Việt Nam thời gian gần đây đã xuất hiện một số bệnh mới ở người và động vật (tả, cúm gia cầm, tai xanh), gây ra những thiệt hại đáng kể.
BĐKH cũng ảnh hưởng tới môi trường an ninh quốc gia do Việt Nam có khoảng 2/3 tổng lượng nước là từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào. BĐKH làm suy thoái tài nguyên nước, trong khi nhu cầu dùng nước của các quốc gia đều tăng lên, làm tăng các bất đồng và xung đột có thể có trong sử dụng chung nguồn nước. Tị nạn môi trường/khí hậu, ở cả trong nước và quốc tế do mất nơi ở hoặc do bệnh tật và nghèo đói không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế xã hội mà còn là vấn đề chính trị, chiến tranh.