Biến động thu nhập lao động Việt Nam quý 1/2022: Tăng hơn 1 triệu so với quý trước
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương của Việt Nam trong quý đầu năm ghi nhận tăng hơn 1 triệu đồng so với quý 4/2021, tăng gần 120 nghìn đồng so với cùng kỳ.
- 29-03-2022Thống kê hiện có 768 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, 882 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM
- 29-03-2022TOP 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD cũng thuộc nhóm nhập khẩu trên 1 tỷ USD
- 29-03-2022TOP 10 tỉnh thành 'hút' vốn FDI trong 3 tháng đầu năm: Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai... đều không lọt danh sách này
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý 1/2022 ước tính là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 1,2 triệu đồng so với quý trước và tăng 119 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nam là 7,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,8 triệu đồng/tháng.
Hồi quý 4/2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 6,1 triệu đồng/tháng, giảm 510 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nam là 6,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,6 triệu đồng/tháng.
Năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,6 triệu đồng/tháng, giảm 45 nghìn đồng so với năm trước.
Nhìn chung, quý 1/2022, nhờ có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2022 ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,8% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,7 triệu người, chiếm 33,5%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 38,7%.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý 1/2022 ước tính là 56,2%. Trong đó, khu vực thành thị là 48,1%; khu vực nông thôn là 62,9% (Quý I năm 2021 tương ứng là 57,1%; 48,4%; 64,3%).
Lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp bao gồm những người không làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuộc một trong ba nhóm sau:
(i) Người làm công ăn lương thuộc khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực chính thức và thành viên hợp tác xã không có bảo hiểm xã hội bắt buộc;
(ii) Chủ cơ sở, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương và lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực phi chính thức;
(iii) Lao động tự làm phục vụ nhu cầu tự tiêu dùng của hộ gia đình và lao động làm thuê trong các hộ gia đình.