MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biên lợi nhuận thấp kỷ lục, điều gì đang diễn ra với Coteccons?

Biên lợi nhuận gộp năm 2018 của Coteccons đạt 6,4%, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết vào trên sàn chứng khoán năm 2010 tới nay và cũng là năm thứ 2 liên tiếp biên lợi nhuận gộp sụt giảm.

Mới đây, Coteccons (CTD) đã công bố báo cáo KQKD hợp nhất năm 2018 với doanh thu 28.561 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước đó.

Tuy vậy, lợi nhuận gộp (doanh thu – giá vốn) của Coteccons đã giảm 10% xuống còn 1.833 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 6,4%, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết vào trên sàn chứng khoán năm 2010 tới nay và cũng là năm thứ 2 liên tiếp biên lợi nhuận gộp sụt giảm.

Với số liệu kém tích cực kể trên, không bất ngờ khi cổ phiếu CTD bị bán khá mạnh và giảm gần 11% từ đầu năm 2019 tới nay, bất chấp thị trường chung đang hồi phục khá tốt.

Biên lợi nhuận thấp kỷ lục, điều gì đang diễn ra với Coteccons? - Ảnh 1.

Điều gì khiến biên lợi nhuận Coteccons thấp kỷ lục?

Theo đánh giá của CTCK HSC, sự sụt giảm biên lợi nhuận gộp của Coteccons là do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả hơn và chi phí nguyên liệu tăng. Hơn nữa, việc một vài khách hàng trọng điểm có giá trị hợp đồng chiếm tỷ trọng khá lớn trong các dự án của công ty và ngày càng gia tăng ưu thế đàm phán đã khiến Coteccons khó có thể có được các hợp đồng mới với điều khoản tốt hơn.

Bên cạnh đó, rào cản gia nhập ngành xây dựng tại Việt Nam cũng không cao và điều này khiến số lượng đối thủ cạnh tranh nhỏ tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, gây áp lực lớn hơn đối với tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn ngành và điều này sẽ không sớm được cải thiện.

Biên lợi nhuận thấp kỷ lục, điều gì đang diễn ra với Coteccons? - Ảnh 2.

Cổ phiếu CTD giảm mạnh trong những ngày đầu năm 2019

HSC ước tính giá trị hợp đồng chuyển tiếp sang năm 2019 của Coteccons là khoảng 27.775 tỷ đồng, các hợp đồng ký mới trong năm 2019 là khoảng 31.825 tỷ đồng; Giá trị hợp đồng thực hiện trong năm 2019 là 32.173 tỷ đồng.

Tuy vậy, HSC dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của Coteccons sẽ tiếp tục giảm từ mức 6,4% xuống 6,3% do đóng góp lớn hơn từ các dự án BĐS trung cấp có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các dự án cao cấp.

HSC đánh giá trong 3 năm tới, đóng góp lợi nhuận chính của Coteccons sẽ vẫn đến từ mảng xây dựng chủ chốt. Trong giai đoạn 2014-2017, công ty ghi nhận giá trị hợp đồng và lợi nhuận vượt trội và rõ ràng là chu kỳ này hiện đã bão hòa. HSC giả định lợi nhuận sau thuế của Coteccons sẽ tăng chậm lại do ảnh hưởng của (1) các dự án BĐS cao cấp tăng chậm; (2) chi phí đầu vào tăng và (3) cạnh tranh lớn hơn khi các công ty có quy mô trung bình tăng quy mô và cải thiện công nghệ.

Dù vậy, HSC cũng cho rằng nếu kế hoạch M&A với nhiều công ty liên quan (bao gồm Ricons) hoàn tất sẽ là nhân tố làm thay đổi cục diện một cách tích cực cho Coteccons.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên