Biến thể Omicron giáng một đòn mạnh vào triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã dội gáo nước lạnh vào những kỳ vọng lạc quan, cho rằng thế giới có thể bước vào một năm 2022 với tâm thế vững chắc hơn.
- 29-11-2021Goldman Sachs: Còn quá sớm để điều chỉnh dự báo vì biến thể Omicron
- 29-11-2021Bị “cô lập” vì biến thể Omicron, các nước châu Phi nổi giận
- 29-11-2021Biến thể Omicron xuất hiện như lời nhắc ‘đại dịch còn lâu mới kết thúc’ và đẩy thế giới vào cuộc chạy đua với thời gian
- 29-11-2021Chứng khoán tương lai Mỹ phục hồi, thị trường châu Á giảm thiệt hại sau cú bán tháo vì biến chủng Omicron
- 29-11-2021Những triệu chứng "bất thường" ở các ca mắc biến thể mới Omicron
Việc một số quốc gia nhanh chóng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, có khả năng hạn chế hoạt động ở nhiều nơi ngay trước kỳ nghỉ lễ quan trọng. Mới đây nhất, Đài truyền hình NTV của Nhật Bản đưa tin nước này sẽ cấm nhập cảnh với tất cả du khách nước ngoài như là một phần trong kế hoạch hạn chế sự lây lan của virus.
Thị trường cũng đã phản ứng mạnh. Kỳ vọng Ngân hàng trung ương Mỹ, Anh và Australia tăng lãi suất trong năm 2022 đã giảm ít nhất 10 điểm cơ bản trong tối 26/11.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về biến thể này, bao gồm khả năng kháng vắc xin và tốc độ lây lan so với biến thể Delta, vốn đang reo rắc nỗi kinh toàn với kinh tế thế giới trong những tháng qua.
Trường hợp xấu nhất mà các nhà đầu tư nghĩ tới là Omicron buộc các quốc gia phải tái phong tỏa. Nó sẽ là đòn chí mạng vào chuỗi cung ứng, vốn đã hứng chịu nhiều căng thẳng kể từ khi đại dịch bùng phát và tổn hại đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp của lạm phát nhanh với tăng trưởng chậm.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. đã chỉ ra 4 khả năng mà một trong số đó tính tới việc dịch bệnh bùng phát trong quý đầu tiên của năm 2022 với biến thể mới. Nó ngay lập tức khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại 2% so với quý trước và giảm 2,5 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại của họ. Tăng trưởng vào năm 2022 nói chung sẽ là 4,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo.
Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Natixis SA, cho biết: "Hiện nay, chúng ta chưa rơi vào tình trạng lạm phát trì trệ. Tuy nhiên, nếu năm tới mà việc đi lại xuyên biên giới vẫn đình trệ, kết hợp với sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan, chúng ta rơi vào tình trạng đó".
Ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia châu Âu đã miễn cưỡng tái phong tỏa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng đã khá thích nghi với các lệnh phong tỏa nên mức độ ảnh hưởng không nghiêm trọng như những lần trước đây. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, cái giá mà nền kinh tế phải trả sẽ vô cùng lớn.
Mickey Levy, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ và châu Á tại Berenberg Capital Markets, cho rằng: "Nếu biến thể Omicron lan rộng, nó có thể làm chậm đà phát triển bền vững của nền kinh tế".
Trước khi Omicron xuất hiện, nhiều nhà kinh tế cho rằng đại dịch được kiểm soát sẽ làm sống lại các ngành dịch vụ như giải trí, du lịch và giao thông vận tải. Tuy nhiên, Omicron khiến điều này bị trì hoãn, làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi toàn cầu, vốn đã không đồng đều.
Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo sự phục hồi đang mất đà và ngày càng trở nên phân hóa. Trong khi các nền kinh tế tiên tiến có thể lấy lại mốc trước dịch vào năm 2022, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn phải ì ạch cho tới năm 2024.
Trong khi đó, nếu phải đối mặt với một đợt bùng phát kéo dài, các nhà hoạch định chính sách sẽ còn rất ít lựa chọn cho các gói kích thích kinh tế so với năm ngoái. Hầu hết các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì lãi suất ở mức gần bằng 0, đồng nghĩa với việc họ thiếu dư địa để tiến hành giải cứu một lần nữa. Các Chính phủ cũng đang nợ nần chồng chất.
Tham khảo: Bloomberg