MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Định 'gỡ khó' thủ tục, tạo đà thu hút đầu tư năm 2023

Trong năm 2022, Bình Định thu hút mới 75 dự án vớitổng vốn đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Dũng Nhân.

Trong năm 2022, Bình Định thu hút mới 75 dự án vớitổng vốn đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Dũng Nhân.

Trong năm 2022, Bình Định thu hút mới 75 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng; thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm gần 19,5 nghìn tỷ đồng. Địa phương cũng tích cực xúc tiến các thị trường đầu tư mới, cải thiện môi trường và chính sách thu hút đầu tư.

Tích cực xúc tiến các thị trường mới

Năm 2022 là năm sôi động trong hoạt động thu hút đầu tư ở Bình Định với hàng loạt sự kiện, chương trình xúc tiến hướng đến nhiều đối tác mới. Cụ thể, Bình Định đã đón nhiều "đại bàng" đến tìm hiểu môi trường đầu tư như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CLB Bất động sản Việt Nam, CLB Bất động sản TP. HCM...

Bình Định cũng tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, trong đó tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư với trên 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự. Đồng thời, tỉnh này cũng cập nhật Danh mục dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.

Các đoàn xúc tiến đầu tư của Bình Định cũng tổ chức các hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan, Đức đầu tư vào tỉnh Bình Định…

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đánh giá, Bình Định có cơ sở hạ tầng tốt, phát triển nhân lực tốt, đồng thời, doanh nghiệp cũng rất hài lòng với khung hỗ trợ đầu tư kinh doanh của địa phương.

Bình Định có Cảng Quy Nhơn là một cảng lớn với hệ thống logistics tốt; có Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những trường mạnh về toán, CNTT, kỹ thuật…; đào tạo ra được nguồn nhân lực công nghệ cao và dồi dào. Tất cả đều là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại địa phương.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiều lần khẳng định với các nhà đầu tư tại các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư rằng địa phương có lợi thế lớn về hạ tầng với hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng với đầy đủ các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển).

Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào an toàn. Cảng hàng không Phù Cát có các chuyến bay đi và đến từ TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ…và đang chuẩn bị nâng cấp, mở rộng thành sân bay quốc tế. Ga Diêu Trì của Bình Định là một trong 10 ga lớn nhất của cả nước.

Các tuyến đường kết nối Cảng Quy Nhơn, sân bay Phù Cát, ga Diêu Trì với các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, khu du lịch đã và đang được đầu tư xây dựng.

Theo ông Tuấn, Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 15.300 ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.940 ha.

Thời điểm cuối năm, từ ngày 12/12 đến 15/12, Bình Định thu hút mới thêm 2 dự án gồm: dự án Kho chứa thành phẩm và bãi chứa nguyên liệu thô do Công ty cổ phần Thành Ngân đăng ký đầu tư tại Cụm công nghiệp Cầu 16 (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) vốn đầu tư 25,93 tỷ đồng; dự án Nhà ở thuộc quy hoạch Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Cơ điện IEC đăng ký đầu tư tại Khu CC-09 thuộc khu đô thị Long Vân (phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn) vốn đầu hơn 1.128 tỷ đồng.

"Hiện, có nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore... và nhiều nhà đầu tư lớn trong nước đến tìm hiểu, tin tưởng, lựa chọn tỉnh Bình Định để đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh", ôngTuấn cho hay.

Thu hút trên 60 dự án đầu tư mỗi năm

Thống kê từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút mới 75 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng; thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm gần 19,5 nghìn tỷ đồng.

Phân theo lĩnh vực, có 52 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 10 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 9 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng; 2 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 1 dự án lĩnh vực công nghệ thông tin và 1 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục.

Đối với tình hình thu hút đầu tư FDI, từ đầu năm đến nay, Bình Định thu hút được 1 dự án đầu tư mới là dự án Nhà máy sản xuất đồ nội ngoại thất từ gỗ và sợi nhựa đan của Công ty Greenwind Pte. Ltd (Singapore) với vốn đầu tư 4 triệu USD.

Đồng thời, có 1 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là Nhà máy chế biến dăm gỗ của Công ty TNHH Sản xuất dăm gỗ Bình Định (vốn đầu tư Nhật Bản; do di dời địa điểm tại TP. Quy Nhơn khi hết thời hạn thuê đất) vào KCN Nhơn Hòa; 5 trường hợp điều chỉnh tăng vốn tổng vốn điều chỉnh tăng 16,04 triệu USD. Đến nay, địa phương có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,11 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, tính từ đầu năm đến nay, số dự án thu hút đầu tư đầu tư trong và ngoài nước đều giảm so với cùng kỳ mặc dù các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được tổ chức đa dạng bằng nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp; phương thức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ.

"Việc đầu tư vào các dự án trên địa bàn vẫn còn gặp một số vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Vì vậy, nhiều hồ sơ đầu tư của doanh nghiệp khi lấy ý kiến các cơ quan còn gặp khó khăn để được cấp chứng nhận đầu tư, triển khai dự án. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án bất động sản tại tỉnh còn chậm vì vướng mắc các thủ tục liên quan đến đền bù cho người dân, thiên tai, chuyển mục đích sử dụng đất lúa...",ông Bay nói.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho hay, trong năm 2023, tỉnh này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng xử lý công việc thông qua các hình thức công nghệ thông tin đối với các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư.

Song song đó, địa phương đặt mục tiêu thu hút trên 60 dự án đầu tư và trên 20 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài) và năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% về số dự án và số vốn đăng ký.

Đồng thời, địa phương cũng chú trọng theo dõi, đôn đốc các dự án đầu tư, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 20 nghìn tỷ đồng mỗi năm, kể cả vốn nước ngoài.

"Tỉnh còn thực hiện đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư từ 25 ngày còn 21 ngày. Theo đó, thời gian lấy ý kiến các cơ quan hiện nay là 12 ngày sẽ được rút ngắn còn ngày 10 ngày; thời gian Sở KH&ĐT tiếp nhận và xem xét hồ sơ, lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến các cơ quan là 8 ngày giảm còn 7 ngày (giảm 1 ngày) và thời gian UBND tỉnh ra quyết định từ 5 ngày giảm còn 4 ngày (giảm 1 ngày)", ôngBay chia sẻ thêm.

Bình Định cũng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ các dự án đã được cấp phép, tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư để đẩy mạnh giải ngân các dự án. Đồng thời, tiếp tục rà soát tình hình triển khai của các dự án đầu tư, hàng tháng.

Theo Nguyễn Tri

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên