MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Định sắp có khu nuôi tôm công nghệ cao gần 1.500 tỷ đồng

Một dự án nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Võ Lâm

Một dự án nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Võ Lâm

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng với nhà máy chế biến tôm công suất 20 ngàn tấn/năm, giá trị xuất khẩu 256 triệu USD.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho hay, UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).

Theo đó, dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm được thực hiện tại khu vực ven biển thuộc xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) nhằm hình thành khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tại tỉnh Bình Định.

Cụ thể, đến quý II/2026, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án sẽ vận hành và đi vào hoạt động. Trong đó, dự án xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tôm công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị xuất khẩu 256 triệu USD, đồng thời, xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100 ngàn tấn/năm.

Cùng với đó, khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt 11.450 tấn/năm cũng hoàn thiện, đưa vào sản xuất. Dự án sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm khoảng 4.000 – 5.000 người.

Đáng chú ý, dự án sẽ xây dựng các mô hình trình diễn, sản xuất, trưng bày các chế phẩm sinh học, thức ăn vi sinh, thuốc kháng, chữa bệnh cho tôm, thuốc xử lý môi trường. Phát triển sàn giao dịch thương mại về tôm và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành gồm: khu sản xuất, chế biến tôm có diện tích 126,62 ha; khu điều hành có diện tích 46,99 ha và các hạng mục phụ trợ có diện tích 55,05 ha.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án hơn 1.498 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ về chi phí thực hiện dự án là 1.186 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất); chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sơ bộ hơn 312 triệu đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định cho thuê đất). Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 3 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực. Dự án được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cũng theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút mới 19 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 7.908 tỷ đồng; đồng thời thực hiện tăng vốn cho 3 dự án với tổng vốn thực hiện tăng 2.840 tỷ đồng.

Trong đó, 6 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp (KKT, KCN) với tổng vốn đầu tư 426 tỷ đồng; 7 dự án trong CCN với tổng vốn vốn đầu tư 544,78 tỷ đồng; 6 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư hơn 6.938 tỷ đồng.

Phân theo lĩnh vực, có 11 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 3 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 4 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng; 1 dự án thuộc lĩnh vực thủy điện.

Ngoài ra, trong quý 1/2023, trên địa bàn ngoài KKT, KCN, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án, dự kiến giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.332 lao động.

Theo Nguyễn Tri

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên