Bình Dương vượt thách thức đưa kinh tế về đích tăng trưởng
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn nhưng với cách làm năng động, sáng tạo, tỉnh Bình Dương đã tạo ra những đột phá mới. Trong đó, tỉnh này thu hút dòng vốn đầu tư giữ vị trí TOP đầu cả nước; thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu; được vinh danh TOP 1 cộng đồng thông minh thế giới; hệ thống an sinh xã hội được đảm bảo...
- 24-12-2023Bóc mẽ chiêu cấp phép cho Xuyên Việt Oil; thưởng Tết ‘khủng’ ở Bình Dương
- 14-12-2023Hạ tầng kết nối Bình Dương đến sân bay Long Thành đã có chưa?
- 10-12-2023Bình Dương: Có thêm khu công nghiệp 700 ha
Tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư
Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, thế nhưng thủ phủ công nghiệp Bình Dương đã vượt qua, đưa kinh tế về đích tăng trưởng (GRDP) 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh ước đạt 73.257 tỷ đồng, đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 10% so với năm 2022.
Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế của Bình Dương là thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, vốn đầu tư trong nước thu hút được gần 81.819 tỷ đồng và gần 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Từ đó, nâng tổng số doanh nghiệp trong nước của Bình Dương lên gần 65.600 với vốn đăng ký 712.000 tỷ đồng và 4.211 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 40,3 tỷ USD.
“Chìa khóa” để Bình Dương liên tục nằm trong top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư là nhờ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bình Dương cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu thông qua việc tổ chức các Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis, tham gia vào Tổ chức Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) và được vinh danh TOP 1- Cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng rất cầu thị khi liên tục gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM cho rằng, trong số 65 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Bình Dương thì doanh nghiệp Singapore đứng thứ 3 với 294 dự án có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD. Điểm nhấn là mô hình VSIP, không chỉ ở Bình Dương mà đã mở rộng ra các tỉnh. Việc doanh nghiệp Singapore lựa chọn Bình Dương đầu tư vì chính sách của tỉnh rất phù hợp.
Ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM cho biết thêm: “Bình Dương đã có những lợi thế để thu hút đầu tư, tuy nhiên cũng cần xem xét lại cơ sở hạ tầng giao thông. Gần đây, trên các tuyến đường chính có xảy ra tình trạng xe, do đó cần đầu tư, cải tiến vấn đề này để thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng”.
Mặc dù khó khăn do biến động thị trường toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 31,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6% so với năm 2022.
Bình Dương không chỉ được biết đến là thủ phủ công nghiệp mà còn thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, tỉnh có khoảng 5.763ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh có 80 cơ sở được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt.
Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết, định hướng để nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường luôn được các cấp hội quan tâm. Hội sẽ tiếp tục là “cầu nối” để nông dân tiếp cận các chính sách, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất.
“Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp cận các chính sách của tỉnh để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng các mô hình để nông dân tự liên kết với nhau, tự trao đổi hàng hóa thông qua các mô hình các tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp mà hình thành các mô hình kinh tế hợp tác” - ông Đỗ Ngọc Huy nói.
Sẽ tiếp tục tăng tốcNăm 2024, tỉnh Bình Dương đặt ra mục tiêu đột phá và tăng tốc mạnh mẽ để tạo đà thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đã đề ra của cả giai đoạn 2021-2025.
Bình Dương đặt ra 36 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó GRDP tăng 8-8,5%; phấn đấu IIP trên 8,7%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khoảng 11% so với năm 2023 (ước khoảng 185.000 tỷ đồng). Tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch”, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Bình Dương đang từng bước xóa điểm nghẽn về giao thông, tăng cường xây dựng các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch, như: Dự án mở rộng quốc lộ 13; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; đường Vành đai 4; đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; đường cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành…
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc xây dựng các tuyến đường kết nối vùng sẽ là “cú hích” để Bình Dương tiếp tục phát triển kinh tế, phát triển đô thị nên không thể chậm trễ.
“Trong thực hiện các thủ tục đầu tư là thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và làm hồ sơ thủ tục đúng tiến độ, đấu thầu đúng quy định. Để làm được điều này thì lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn bám sát các tiến độ của các công việc để tập trung chỉ đạo. Riêng việc giải phóng mặt bằng đã thực hiện từ lâu, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang chi trả và tiến độ chi trả tốt và người dân rất ủng hộ” - ông Mai Hùng Dũng nói.
Tiếp đà "tăng tốc”, Bình Dương đặt ra các giải pháp cho năm 2024 như sớm hình thành "vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc các trục cao tốc kết nối vùng", phát triển các khu công nghiệp thông minh, thu hút đầu tư công nghệ cao. Công tác chuyển đổi số gắn với các tiêu chí xây dựng "thành phố thông minh" cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Riêng về thu hút đầu tư, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, Bình Dương sẽ tiếp tục trải thảm đỏ: “Làm sao môi trường của Bình Dương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải thông thoáng bằng các chính sách, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp đủ sức phát triển. Thứ 2 là thông suốt về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Quản lí thông minh và cung cấp các dịch vụ thông minh để giảm chi phí cho doanh nghiệp làm thủ tục theo quy định”.
Trong năm 2024, Bình Dương sẽ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cho sự phát triển. Song song đó, Bình Dương sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề đáp ứng sự chuyển đổi của doanh nghiệp; tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.
VOV