MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình ổn thị trường lớn mạnh qua nhiều thử thách

Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, xuyên suốt 20 năm nay, chương trình bình ổn thị trường càng lúc càng mở rộng quy mô, năm sau nhiều hàng hơn năm trước.

Một năm sau khi mở cửa tái khởi động và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội hậu COVID-19, TP HCM ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP đã trở về trạng thái bình thường so với thời điểm trước dịch. Nhiều ngành sản xuất đạt tăng trưởng cao, đang tạo đà cho chiến lược tăng tốc sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm.

Nhiều kinh nghiệm vượt khó

Theo số liệu của UBND TP, các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại bán lẻ đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, ngành công nghiệp của TP phục hồi ngoạn mục, thoát đáy suy giảm với mức tăng trong 9 tháng ước khoảng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 24,4%.

Đại diện Sở Công Thương TP cho hay, dù đã thoát đáy suy giảm nhưng diễn biến nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, sức mua toàn cầu suy giảm do lạm phát cao tại những thị trường nhập khẩu quan trọng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu… khiến doanh nghiệp (DN) đối diện nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm. Để hỗ trợ các DN, TP đang tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân, người lao động. Đồng thời, TP ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại.

Trong bối cảnh khó chồng khó, ngành công thương, DN và người tiêu dùng đều cần 1 giải pháp đồng bộ để làm nhẹ chuỗi cung ứng hàng thiết yếu. Với kinh nghiệm tham gia bình ổn thị trường TP trong nhiều năm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những thời điểm căng thẳng nhất, đặc biệt là trong giai đoạn TP cùng nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 năm 2021. Từ đầu năm 2022, các DN bình ổn thị trường TP đã chuẩn bị tâm thế và đề ra giải pháp góp phần cùng TP giữ ổn định nguồn cung lẫn giá cả hàng hóa.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, phản ánh khó khăn lớn nhất trong năm nay là chi phí cao, các khâu đầu vào tăng "nóng" nhưng tiêu thụ thịt gà và một số mặt hàng thực phẩm chế biến không tốt như kỳ vọng. "Đó là thách thức rất lớn cho DN bình ổn thị trường. Kinh nghiệm của tôi là phải thật bình tĩnh, chủ động để tham gia ổn định hàng hóa, giá cả" - bà Ngọc Hà đúc kết.

Tính từ đầu năm đến nay, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh theo diễn biến giá thế giới và ảnh hưởng giá vận chuyển, xăng dầu trong nước nhưng theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP, DN nhiều nhóm hàng rất hạn chế tăng giá. Bà Chi cho rằng sau COVID-19, mục tiêu của DN là làm sao kích cầu, bán được nhiều hàng nhất, thị trường tiêu thụ hàng hóa tốt nhất nên sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để kéo thị trường lên.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cũng phản ánh chi phí đầu vào tăng cao, từ đầu năm đến nay một số nhà cung cấp đề nghị tăng giá hơn 50%. Vissan đang nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất, điều chỉnh lộ trình giao hàng hợp lý để làm sao giữ giá thành ít biến động nhất nhằm giữ ổn định giá hàng hóa bán ra và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.

Bình ổn thị trường lớn mạnh qua nhiều thử thách - Ảnh 1.

Mặc dù chi phí đầu vào biến động mạnh nhưng các doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn nỗ lực giữ và giảm giá


Hài hòa lợi ích, chia sẻ gánh nặng

Không chỉ trong năm 2022 này mà nhìn lại quá trình 20 năm qua, sự phát triển của chương trình bình ổn thị trường luôn song hành với sự lớn mạnh của DN và niềm tin của người tiêu dùng. Ngay từ những năm đầu triển khai, TP đã xác định một trong những nội dung quyết định của chương trình bình ổn thị trường là tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường. Đến nay, lợi ích kép từ chương trình đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế đà tăng giá, hài hòa lợi ích của DN - người dân, thúc đẩy tăng trưởng, chia sẻ gánh nặng chi tiêu của người tiêu dùng. Qua đó, DN đẩy nhanh sản lượng tiêu thụ, giá trị thương hiệu cũng tăng tỉ lệ thuận với lượng hàng bán ra, cùng nhau vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19.

Bằng sự đổi mới liên tục về nội dung và phương thức thực hiện, chương trình bình ổn thị trường TP đã vượt ra khỏi phạm vi TP, đóng góp lớn đến sự ổn định, cân đối cung cầu hàng hóa cả khu vực phía Nam. Riêng năm 2022, chương trình được triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu hàng hóa đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. Năm nay, có 69 DN tham gia chương trình (tăng 9 DN so với năm 2021). Đặc biệt, có gần 10 tổ chức tín dụng tham gia, mở ra nhiều hình thức thanh toán mới cho người tiêu dùng và tạo nguồn vốn cho DN.

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing Công ty TNHH MM Mega Market (hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam), cho rằng cần có sự bắt tay giữa nhà sản xuất với nhà phân phối cùng thống nhất với nhau để bình ổn giá cả thị trường. Trong những giai đoạn khó khăn, nếu tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối… đều cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi và người tiêu dùng thì hiệu quả bình ổn sẽ được nhân rộng và tạo sự đột phá.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết từ sự cam kết đồng hành của đơn vị quản lý nhà nước, các DN mạnh dạn đầu tư dài hơi, qua đó phát triển thị phần, năng lực sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng với lãi suất ưu đãi so với lãi suất thông thường và những ưu đãi khi tiếp cận nguồn vốn này.

Các DN bình ổn với thị phần lớn, hệ thống phân phối rộng khắp, bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng TP HCM lượng hàng hóa ổn định, dồi dào, giá cả hợp lý. Do đó, có khả năng điều hòa cung - cầu, dẫn dắt và ổn định thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát đồng thời thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP.

Chuẩn bị 40.000 tấn hàng Tết

Sở Công Thương TP HCM vừa công bố kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023. Cụ thể, các DN dự trữ gần 40.000 tấn hàng hóa lương thực, thực phẩm phục vụ Tết. Trong đó, 5.253 tấn lương thực, 2.031 tấn đường, 2.356 tấn dầu ăn, 5.603 tấn thịt gia súc, 8.481 tấn thịt gia cầm, 54,4 triệu quả trứng gia cầm, 1.485 tấn thực phẩm chế biến, 9.255 tấn rau củ quả, 297 tấn thủy hải sản và 1.600 tấn gia vị.

Sở đã đôn đốc các DN bình ổn thị trường xây dựng, dự trữ nguồn hàng chiếm 25%-43% so với nhu cầu TP, kết hợp hệ thống phân phối chia sẻ chiết khấu và chiết khấu ưu đãi để giảm áp lực chi tiêu cho người dân. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng... bảo đảm hàng hóa lưu thông, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm trên địa bàn TP.

photo-1

Các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho dịp Tết này

"Các DN bình ổn thị trường đã phát triển lớn mạnh, rất chuyên nghiệp trong việc triển khai các hoạt động bình ổn thị trường TP. Chương trình được thiết kế để bình ổn những sản phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa hằng ngày, tỉ trọng chương trình giao cho DN khá lớn, có những sản phẩm lên đến 60% thị phần nên hoàn toàn nắm quyền chi phối, góp phần quan trọng để ổn định nguồn cung lẫn giá cả trên thị trường chung" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở, nói thêm. Theo ông Phương, từ nay đến cuối năm, TP HCM còn có nhiều chương trình khác để hỗ trợ kết nối cung - cầu, tạo nguồn hàng đa dạng, giá hợp lý cho người dân… nên hoàn toàn có thể can thiệp trong trường hợp thị trường xảy ra biến động.

Theo Thanh Nhân

Người lao động

Trở lên trên