Bỏ 2.000 tỷ đồng làm bóng đá, bầu Đức cũng phải ngậm ngùi 'bán tên' CLB HAGL
Việc CLB Hoàng Anh Gia Lai đổi tên sau hơn 20 năm khẳng định thương hiệu phản ánh hiện thực của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
- 18-10-2023Hoàng Anh Gia Lai (HAGL): Thu 180 tỷ đồng từ bán khách sạn tại Gia Lai, lợi nhuận 9 tháng đạt 710 tỷ đồng
- 26-09-2023HAGL chốt phương án phát hành mới: Tổng giá trị 1.300 tỷ đồng, giá bán cao hơn 33% thị giá hiện tại
- 19-09-2023Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tăng 48% doanh thu trong tháng 8/2023, không công bố lợi nhuận
"Tôi tốn kém trên dưới 2.000 tỷ đồng sau 22 năm qua cho bóng đá", bầu Đức nói khi công bố điều chưa từng xảy ra với CLB Hoàng Anh Gia Lai kể từ khi đội bóng này hiện diện ở V-League. Đội bóng phố núi đổi tên.
Không nhiều ông bầu "máu" bóng đá như vậy, kể cả khi vị doanh nhân này trục trặc trong các lĩnh vực kinh doanh khác và không thể đổ tiền nhiều như trước. Tuy nhiên, bầu Đức cũng đến lúc không còn đủ lực để duy trì thương hiệu bóng đá đã gây dựng và duy trì vẹn nguyên suốt 2 thập kỉ.
Trước khi nghĩ đến chuyện học hỏi các mô hình đỉnh cao thế giới, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải giải quyết câu chuyện về sự tồn tại. Việc CLB Hoàng Anh Gia Lai đổi tên chính là lời nhắc nhở cả nền bóng đá về hiện thực này, giữa rất nhiều những lời hô hào về triết lí cao siêu.
Hơn 20 năm từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên, chỉ có 2 câu lạc bộ chưa từng đổi tên - tính đến trước ngày 2/11/2023. Đó là Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai. Cái tên của đội bóng phố núi thực sự trở thành một thương hiệu bóng đá đích thực, được biết đến là tên của một đội bóng chứ không phải gắn tên nhà tài trợ.
Ở V-League 2023/2024, vẫn có 8 đội bóng thuần túy là tên địa phương - thứ duy nhất không thay đổi trong tên các CLB. Tuy nhiên, tất cả các đội bóng này đều từng trải qua một khoảng thời gian dài gắn tên với doanh nghiệp.
Từ các đại diện của những thành phố lớn nhất nước là Hà Nội, TP.HCM đến những CLB giàu bản sắc địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa, hay thậm chí cả cá tính độc đáo như Sông Lam Nghệ An lừng lẫy cũng phải gắn tên doanh nghiệp trong một giai đoạn nào đó.
Điều này nghĩa là không đội bóng nào thực sự giữ cho mình được cái tên riêng, đủ mạnh, đủ độc lập để không cần đứng chung với bất kỳ yếu tố nào khác.
Bản sắc của đội bóng bắt đầu từ cái tên. Bởi thế, việc các CLB chuyên nghiệp Việt Nam liên tục đổi tên tạo ra cảm giác về sự bất ổn, thiếu bền vững. Nhưng, đấy chỉ là phần nổi, được nhìn nhận từ con mắt của người hâm mộ bóng đá.
Đối với những người làm bóng đá, cái tên cũng chỉ là giá trị để đánh đổi. Thứ mà đội bóng có được khi chấp nhận đổi tên để gắn với thương hiệu tài trợ là tiền - yếu tố quyết định đến sự tồn tại của CLB trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Chẳng thể trách được các đội bóng và nhà tài trợ. Hiện thực của bóng đá Việt Nam là các CLB chưa kiếm ra tiền, hoặc nhiều tiền từ hoạt động bóng đá. Tình cảm của người hâm mộ cũng chưa thể quy trực tiếp thành nguồn lợi tài chính - khi mà những chiếc áo hàng nhái vẫn tràn lan trong khi sản phẩm chính hãng CLB bán chẳng được mấy người mua.
Các CLB phụ thuộc vào những nhà tài trợ lớn, những ông bầu "nuôi" đội bóng. Họ muốn gì cũng được, kể cả là đổi tên CLB. Miễn là số tiền doanh nghiệp bỏ ra đủ giúp đội bóng tồn tại. Nếu đội bóng không sống được thì cái tên cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Trong một môi trường như vậy, cái tên Hoàng Anh Gia Lai đứng một mình, tồn tại suốt 2 thập kỉ ở V-League chính là biểu tượng đáng tự hào của ông bầu Đoàn Nguyên Đức về bóng đá bền vững. Nhưng, thực tế là bầu Đức những năm qua cũng trầy trật trên thương trường và việc đổ tiền vào bóng đá cũng chẳng còn đơn giản như trước.
Giờ đây, đến cả HAGL cũng phải chấp nhận đổi tên để đổi lấy nhà tài trợ, như những CLB khác phải lo "cơm áo gạo tiền" từng mùa giải.
VTC