MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ 80 tỷ đồng mua đồng hồ hàng hiếm 66 năm tuổi, tá hỏa phát hiện hàng giả tinh vi, cả thương hiệu cũng "ăn cú lừa"

03-07-2023 - 13:18 PM | Lifestyle

Bỏ 80 tỷ đồng mua đồng hồ hàng hiếm 66 năm tuổi, tá hỏa phát hiện hàng giả tinh vi, cả thương hiệu cũng "ăn cú lừa"

Đây có thể là sai lầm đấu giá lớn nhất mà tín đồ đồng hồ từng nghe đến: Một chiếc Omega Speedmaster giả đã được bán với mức giá kỷ lục và phải mất vài năm người ta mới phát hiện ra vụ gian lận này.

Hãng sản xuất đồng hồ Thuỵ Sĩ Omega cùng nhà đấu giá Phillips Auction đã "đỏ mặt" sau khi phát hiện chiếc Omega Speedmaster 1957 thế hệ đầu tiên là hàng giả.

Không chỉ những nhà sưu tập, ngay cả các thương hiệu cũng có thể bị lừa về tính xác thực sản phẩm của chính họ.

Omega cho biết họ là nạn nhân của hoạt động tội phạm có tổ chức, với sự tham gia của 3 nhân viên cũ của thương hiệu.

Một cựu nhân viên của bảo tàng và bộ phận di sản thương hiệu đã làm việc song song với những người trung gian để mua đồng hồ cho Bảo tàng Omega. Theo báo cáo, nhân viên cũ đã nói với các giám đốc của công ty rằng đây là mẫu đồng hồ hiếm và đặc biệt, tuyệt đối phải có trong bộ sưu tập nội bộ.

Bỏ 80 tỷ đồng mua đồng hồ hàng hiếm 66 năm tuổi, tá hỏa phát hiện hàng giả tinh vi, cả thương hiệu cũng "ăn cú lừa" - Ảnh 2.

Đồng hồ Omega Speedmaster 1957 mã tham chiếu 2915-1. Ảnh: Phillips.

Đồng hồ mang số tham chiếu 2915-1 được bán với giá cao kỷ lục 3,4 triệu USD (tương đương 80 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Phillips hồi tháng 11/2021 và được chính Omega mua lại. Đáng chú ý, đây là mức giá cao nhất từng được trả cho một chiếc Speedmaster tại cuộc đấu giá. Giá gõ búa cuối cùng cao hơn 26 lần so với ước tính ban đầu trước khi bán là 131.000 USD (tương đương 3 tỷ đồng).

Chia sẻ với CNN, hãng nói rằng họ dự định trưng bày đồng hồ tại bảo tàng của mình tại Bienne (Thuỵ Sĩ). Speedmaster 1957 là đồng hồ đeo tay bấm giờ bằng thép không gỉ, được mô tả là một trong những mẫu "Speedmaster đầu tiên và đáng sưu tập nhất".

2915-1 nổi bật với mặt số tropical (mặt số bị bạc màu do ảnh hưởng của tia UV từ ánh nắng mặt trời), được trang bị tính năng tachymeter (thang đo tốc độ). Mẫu đồng hồ hiếm này có thể dễ dàng nhận diện nhờ vào đồ hoạ mặt số hơi khác - logo chữ "O" hình bầu dục của Omega, sau này trở thành hình tròn hoàn hảo.

Bỏ 80 tỷ đồng mua đồng hồ hàng hiếm 66 năm tuổi, tá hỏa phát hiện hàng giả tinh vi, cả thương hiệu cũng "ăn cú lừa" - Ảnh 3.

Đồng hồ Omega "Frankenstein" được bán với giá hơn 3 triệu USD trong cuộc đấu giá vào năm 2021. Ảnh: Phillips.

Mẫu đồng hồ năm 1957 đại diện cho đỉnh cao hoàn hảo của các khoảng thời gian và ngôn ngữ thiết kế. Chỉ được sản xuất trong giai đoạn năm 1957-1959, các mẫu 2915-1 và 2915-2 có kim chỉ giờ kiểu broad arrow, khung bezel kim loại trái ngược với khung bezel tiêu chuẩn.

"Về mặt thiết kế, đây là đồng hồ bấm giờ đầu tiên có thang đo tachymeter trên khung bezel, thay vì trên mặt số. Về mặt chuyển động, thương hiệu đã không sử dụng bộ máy hoàn toàn mới, thay vào đó chuyển sang bộ máy calibre 321. Một chiếc đồng hồ bấm giờ cực kỳ mạnh mẽ và đáng tin cậy, được công nhận là tùy chọn tốt nhất hiện có cho dòng Speedmaster", Phillips viết.

Trên thực tế, 2915-1 được đấu giá tại Phillips là "Frankenstein watch" hay "Frankenwatch", thuật ngữ được sử dụng trong ngành dùng để chỉ độ phức tạp của đồ giả.

Nhóm tội phạm đã thay thế các bộ phận ban đầu của 2915-1 bằng hỗn hợp các bộ phận chủ yếu là hàng thật, nhưng đến từ các đồng hồ cổ điển khác một cách tinh vi.

Bỏ 80 tỷ đồng mua đồng hồ hàng hiếm 66 năm tuổi, tá hỏa phát hiện hàng giả tinh vi, cả thương hiệu cũng "ăn cú lừa" - Ảnh 4.

Theo chuyên gia định giá đồng hồ và trang sức Damien Kalmar, người tiêu dùng nên chú ý đến các chi tiết như kiểu chữ trên mặt số, hình dạng của ô cửa sổ báo lịch ngày, các núm vặn, logo thương hiệu để nhận biết hàng thật - giả. Ảnh: Phillips.

Nhiều tháng sau, người ta tìm thấy sự khác biệt giữa ngày sản xuất của bộ chuyển động được đánh số, số sê-ri và kiểu đồng hồ.

CNN cho biết 3 nhân viên cũ đã thừa nhận các sự kiện khi đối mặt trong cuộc điều tra nội bộ của Omega. Thương hiệu không nêu đích danh những người chịu trách nhiệm về vụ lừa đảo, nhưng giám đốc điều hành Raynald Aeschlimann nói rằng vụ lừa đảo đã gây thiệt hại lớn cho thương hiệu.

Người phát ngôn của Phillips chia sẻ rằng nhà đấu giá rất lo lắng khi phát hiện ra sự việc đồng hồ giả.

Đại diện nhà đấu giá cho biết họ không tiết lộ danh tính của người bán vì quy tắc bảo mật khách hàng, nhưng sẽ hợp tác khi được yêu cầu. "Chúng tôi mong muốn được thấy kết quả từ những phát hiện của Omega và tất nhiên sẽ hợp tác đầy đủ với bất kỳ cuộc điều tra hoặc truy tố thủ phạm nào của chính quyền", nhà đấu giá chia sẻ.

Bỏ 80 tỷ đồng mua đồng hồ hàng hiếm 66 năm tuổi, tá hỏa phát hiện hàng giả tinh vi, cả thương hiệu cũng "ăn cú lừa" - Ảnh 5.

Omega là nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ lớn thứ ba tính theo doanh thu, theo Morgan Stanley. Ảnh: WatchGecko.

Khi Phillips ký gửi chiếc đồng hồ và đến gặp Omega để lấy thông tin từ kho lưu trữ, nhà đấu giá đã không biết về hoạt động phạm tội.

Nổi tiếng nhất với các mẫu Speedmaster và Seamaster, Omega là nhà sản xuất đồng hồ lớn thứ ba của Thụy Sĩ tính theo doanh thu với con số 2,47 tỷ franc (tương đương 64.834 tỷ đồng) vào năm 2022, theo ước tính của Morgan Stanley.

Vụ lừa đảo là sự kiện đáng nhớ với cả 2 nhà sản xuất và đấu giá. Mặt khác, phi vụ đánh dấu bước ngoặt đối với ngành đồng hồ. Sự gia tăng nhanh chóng về giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ đã khiến lĩnh vực này trở thành danh mục nóng để đầu tư.

Theo CNN

Lam Phương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên